Doanh nghiệp “thắt lưng buộc bụng” thời Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ. Trong khi doanh thu gặp khó khăn, doanh nghiệp còn chịu áp lực rất lớn từ các khoản chi phí để duy trì hoạt động. Một trong các giải pháp mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn để đảm bảo sinh tồn và hoạt động liên tục là cắt giảm chi phí ở mức tối đa.
Chi phí hoạt động của Vietcombank trong quý II/2020 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Trần Việt
Chi phí hoạt động của Vietcombank trong quý II/2020 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Trần Việt

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp thời điểm hiện nay, tiếp đến là lãi vay ngân hàng, chi phí hoạt động thường xuyên khác và chi phí thuê mặt bằng. Vì vậy trong giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Ngay cả ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng phải cắt giảm chi phí nhân công trong thời gian vừa qua. Cụ thể, chi phí hoạt động của Vietcombank trong quý II/2020 giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, chi phí này giảm 5% so với nửa đầu năm 2019, tương đương 422 tỷ đồng. Trong tổng chi phí hoạt động của ngân hàng này nửa đầu năm 2020, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí cho nhân sự với 4.307 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 4.275 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2019. Tuy vậy, so với thời điểm đầu năm, quy mô nhân sự của Vietcombank tăng thêm khoảng 1.167 người, còn so với thời điểm tháng 6 năm ngoái, nhân sự của Vietcombank tăng thêm 2.900 người. Như vậy, chi phí bình quân trên mỗi nhân viên của Vietcombank đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm nay.

Nằm trong chi phí hoạt động còn có chi phí quản lý công vụ. Trong nửa đầu năm nay, Vietcombank đã cắt giảm khoảng 600 tỷ đồng chi phí này so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí, Vietcombank vẫn ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một lĩnh vực khác gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay là xăng dầu. Ngoài ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm do tác động của Covid-19, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá dầu giảm sâu. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều báo lỗ trong 6 tháng đầu năm như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) lỗ 354 tỷ đồng, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 1.080 tỷ đồng…

Quy mô nhân sự của Coteccons liên tục giảm trong các quý gần đây, đến cuối quý II/2020 còn 1.901 người, giảm 16,4% so với thời điểm đầu năm. Ảnh: Lê Tiên

Quy mô nhân sự của Coteccons liên tục giảm trong các quý gần đây, đến cuối quý II/2020 còn 1.901 người, giảm 16,4% so với thời điểm đầu năm. Ảnh: Lê Tiên

Khi nguồn thu bị ảnh hưởng, việc cắt giảm chi phí là biện pháp quan trọng để duy trì tài chính của doanh nghiệp. Tổng chi phí bán hàng và quản lý của PVOIL 6 tháng đầu năm giảm 128 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 10%. Con số tương ứng của Petrolimex giảm khoảng 120 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy, trong quý II/2020, các chi phí như bán hàng, quản lý giảm lần lượt 21,9% và 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng giảm lần lượt là 14,4% và 34,8%. Doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm đạt 368 tỷ đồng (kế hoạch doanh thu tài chính 110 tỷ đồng/năm), trong khi chi phí tài chính là 337 tỷ đồng, tăng rất ít so với kế hoạch (kế hoạch chi phí tài chính là 620 tỷ đồng/năm).

Lãnh đạo Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, chi phí tiết giảm trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 975 tỷ đồng. Công ty sẽ tiếp tục nỗ lực giảm chi phí trong nửa cuối năm với mục tiêu cả năm 2020 tiết giảm được 1.500 tỷ đồng.

Một nhà thầu lớn trong ngành xây dựng cũng phải cắt giảm chi phí nhân sự thời gian qua là Công ty CP Xây dựng Coteccons. Cùng với việc doanh thu bị thu hẹp, quy mô nhân sự của Coteccons cũng liên tục giảm trong các quý gần đây. Đến cuối quý II/2020, nhân sự của Công ty còn 1.901 người, giảm 16,4% so với thời điểm đầu năm và giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này phần nào giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty cao hơn, đạt 5,82% so với 4,5% nửa đầu năm 2019.

Dù kết quả lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhờ cắt giảm chi phí nên tính riêng trong quý II/2020, Coteccons vẫn báo lãi ròng tăng trưởng 28,5%. Đây là một kết quả tích cực khi doanh thu quý II của Công ty giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự Coteccons, quy mô nhân sự của Công ty CP Gỗ An Cường đã thu hẹp đáng kể trong 6 tháng qua. Số lượng cán bộ nhân viên giảm 18,3% so với đầu năm, từ 3.642 người xuống 2.974 người.

Việc cắt giảm chi phí cũng đang được nhiều doanh nghiệp khác mạnh tay thực hiện. Đây là tình trạng chung không chỉ tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới trước ảnh hưởng của Covid-19.

Theo Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, lãnh đạo các doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực doanh nghiệp ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân viên theo cách vận hành mới.

Chuyên đề