Con số tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra được UBND tỉnh Quảng Ninh thống kê là 23.700 tỷ đồng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hội DN tỉnh Quảng Ninh, hơn 60 năm qua, Quảng Ninh chưa từng đối mặt với một cơn bão nào khủng khiếp đến như vậy. Đến nay, con số tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra được UBND Tỉnh thống kê là 23.700 tỷ đồng. Trong đó, DN nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản, điện, viễn thông, hạ tầng cơ sở ở các khu công nghiệp ven biển… chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Đến nay, một số hoạt động SXKD đã được khôi phục trở lại. Một số cơ sở lưu trú, du lịch đã mở cửa đón khách sau khi khắc phục phần nào hậu quả do bão. Tỉnh đã cấp điện trở lại.
“Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất như nhà máy sản xuất gạch phải dừng hoạt động để sửa chữa, mua sắm thay thế máy móc, thiết bị. Nhanh nhất là đến tháng 12/2024 mới có thể ổn định hoạt động trở lại. Khi hoạt động trở lại, các nhà máy còn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, phải tuyển dụng lại, vì lao động dịch chuyển tìm việc làm mới trong khoảng thời gian dừng sửa chữa, tái thiết sản xuất”, ông Thể chia sẻ.
Chủ tịch Hội DN tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Thập cho biết, Tuyên Quang cũng là địa phương chịu nhiều thiệt hại rất lớn do bão số 3 gây ra. “Chưa bao giờ chúng tôi phải dọn dẹp một khối lượng bùn đất, rác thải do sạt lở, lũ lụt lớn đến như vậy. Để xử lý được, không thể ngày một ngày hai và tốn kém rất nhiều chi phí. Đó là chưa kể phải sửa chữa, thay thế các trang thiết bị, nhà xưởng phục vụ hoạt động SXKD”, ông Thập nói.
Qua tập hợp báo cáo của các DN và hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động SXKD của nhiều DN rất nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, phương tiện giao thông, máy móc, trang thiết bị, hàng hoá… Phần lớn các DN cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp như phải đóng cửa, ngừng SXKD hoặc giảm năng suất, doanh số trong thời gian bão lũ do người lao động không thể đi làm, hàng hoá không thể vận chuyển hoặc không thể tiếp cận được khách hàng. Việc khôi phục SXKD của nhiều DN hiện nay rất khó khăn...
Theo báo cáo ngày 19/9/2024 của Ban Chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, tính đến 17h00 ngày 18/9/2024, ước tính tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra và mưa lũ sau bão là trên 60.700 tỷ đồng, 333 người chết, mất tích.
“Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để DN các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục SXKD, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân”, VCCI nhận định.
Theo đó, VCCI đề xuất, Thủ tướng chỉ đạo việc chi Quỹ Phòng chống thiên tai để cứu trợ, khắc phục hậu quả của bão số 3. Đây là Quỹ do doanh nghiệp và người lao động đóng góp, nhưng đến năm 2023 còn kết dư gần 2.000 tỷ đồng.
Đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão số 3 (tàu cá khai thác thuỷ hải sản, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản) cần tăng mức tiền hỗ trợ thiệt hại thực tế tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP (NĐ 02) và áp dụng cho cả DN nuôi trồng thủy hải sản. UBND cấp xã cùng chủ tàu thống kê thiệt hại và xác định hỗ trợ theo định mức. Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% chi phí mua bảo hiểm cho các loại tàu cá, tàu du lịch đến hết năm 2025.
Đồng thời, cần miễn tiền thuê mặt nước đến hết năm 2025 cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ hải sản. Miễn các loại phí và lệ phí có liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thuỷ nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. Cũng trong khoảng 4 - 6 tháng, Nhà nước cân nhắc miễn hoặc giảm 50% số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân phải nộp; miễn phần kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở và giảm các khoản nộp cho bảo hiểm xã hội (BHXH).
Đối với các ngành, lĩnh vực khác tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ, VCCI đề xuất, bên cạnh đẩy nhanh việc thực hiện hỗ trợ theo NĐ 02, nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ và mở rộng diện được nhận hỗ trợ gồm cả DN sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại bởi bão lũ.
Đồng thời, Nhà nước nên giảm thuế GTGT đối với xăng dầu từ mức 10% xuống mức 8% từ tháng 9 - 12/2024 đối với các cơ sở bán lẻ xăng dầu; giảm thuế GTGT đối với mặt hàng điện từ mức 8% xuống 6% đối với các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ. Quốc hội tiếp tục gia hạn thời điểm nộp thuế GTGT, TNDN và tiền thuê đất cho các DN tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão lũ sang năm 2025. Giãn thời điểm nộp các khoản nộp cho BHXH từ 4 - 6 tháng cho các DN. Giảm 50% kinh phí công đoàn nộp lên cấp trên cơ sở cho các DN đến hết tháng 12/2024 và giãn thời điểm nộp đến năm 2025.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 06/2024/TT-NHNN áp dụng cho các nghĩa vụ trả nợ từ nay đến tháng 6/2025 đối với các khoản vay của khách hàng SXKD tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão.