Doanh nghiệp phân bón: Nhiều kỷ lục doanh thu quý đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá phân bón neo ở mức cao đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh kỷ lục. Thậm chí lợi nhuận quý I/2022 của một số doanh nghiệp như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau đã đạt hơn 60% kết quả thực hiện của cả năm 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 474.268 tấn, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2021, thu về gần 307 triệu USD. Ảnh: Nhã Chi
Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 474.268 tấn, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2021, thu về gần 307 triệu USD. Ảnh: Nhã Chi

Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) cho biết, quý đầu năm đã có thuận lợi về giá bán và doanh thu bán hàng tăng mạnh do diễn biến thị trường thuận lợi. Giá Ure, NH3 thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty rất hiệu quả. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 868,2 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Đạm Hà Bắc có lãi sau nhiều năm lỗ triền miên.

Giá phân bón diễn biến thuận lợi đã giúp nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý đầu năm ở mức kỷ lục, gần bằng kết quả của cả năm 2021.

Đạm Phú Mỹ cho biết, sản lượng bán hàng phân bón, hóa chất đều tăng mạnh trong quý I/2022. Cụ thể, sản lượng bán Ure tăng 30%, NPK tăng 33%, NH3 tăng 13% so cùng kỳ năm ngoái. Nhờ thêm yếu tố giá tăng, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ trong quý I/2022 tăng tới 200% so với cùng kỳ 2021, đạt 5.829 tỷ đồng; lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.823 tỷ đồng, gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp quý I/2022 đạt 48,4%, cao hơn nhiều so với mức 22% của quý I/2021. Kết quả, quý I/2022 Đạm Phú Mỹ lãi sau thuế kỷ lục 2.126 tỷ đồng, gấp 12 lần so với lợi nhuận ghi nhận trong quý I/2021, và đạt 67% kết quả của cả năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt mức lãi trong quý đầu năm tăng cao, như Công ty CP DAP - Vinachem báo lãi 136,5 tỷ đồng (gấp 3,8 lần quý I/2021); Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển báo lãi 18 tỷ đồng (gấp 2,25 lần); Công ty CP Phân bón miền Nam báo lãi 28,2 tỷ đồng (gấp 11,75 lần); Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao báo lãi 30,7 tỷ đồng (tăng 26,8%).

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau ghi nhận 4.028 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 111% so với thực hiện cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ ngay trong quý đầu năm nay, Đạm Cà Mau thực hiện được lợi nhuận bằng 83% của cả năm 2021.

Đạm Cà Mau cho biết, lực cầu về các sản phẩm phân bón vẫn lớn trong quý II/2022, do các thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ - Tây Nguyên, Campuchia vào chính vụ hè thu. Bên cạnh đó, giá bán trong nước được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào (giá khí, chi phí vận chuyển…) tăng cao. Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung các sản phẩm mà nước ta nhập khẩu hoàn toàn hoặc một phần, do sản xuất trong nước không cung ứng đủ (DAP, Kali, SA) sẽ giúp doanh thu Công ty tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu tài chính trong quý II/2022.

Theo báo cáo phân tích gần đây của Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Nga đã chính thức dừng xuất khẩu phân bón. Năm 2021, Nga là quốc gia xuất khẩu Ure và NPK lớn nhất thế giới với sản lượng xuất khẩu lần lượt đạt 7 và 5,9 triệu tấn. Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU, Mỹ đối với Nga sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phân bón với kỳ vọng cả sản lượng và giá bán đều có thể hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung bất ngờ trên thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 474.268 tấn (tăng 42,6% so với cùng kỳ 2021), thu về gần 307 triệu USD.

Chuyên đề