Doanh nghiệp phân bón giảm mục tiêu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc giá các loại phân bón liên tục giảm mạnh cùng dư địa xuất khẩu giảm đang tạo áp lực lên triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón trong năm 2023 trên mức nền cao của năm 2022.
Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 là 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 2.670 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện năm 2022. Ảnh: Quang Vinh
Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 là 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 2.670 tỷ đồng, giảm 60% so với thực hiện năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Giá bán và nhu cầu giảm, nguồn cung gia tăng

Theo dữ liệu của Investing.com đến đầu tháng 2/2023, giá giao dịch hợp đồng giao kỳ hạn phân urea đã giảm xuống 382 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021. So với cùng kỳ năm 2022, giá phân urea đã giảm 43,3%. Giá phân urea nói riêng và nhiều loại mặt hàng phân bón đều giữ xu hướng giảm trong bối cảnh nguồn cung được cải thiện, chi phí sản xuất có xu hướng hạ nhiệt.

Cụ thể, về chi phí sản xuất, theo dữ liệu của Tradingeconomics, giá hợp đồng giao kỳ hạn khí đốt tự nhiên trên Sàn giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) liên tục giảm và xuống dưới 3 USD/MMBtu từ đầu năm 2023 - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021 do thời tiết ấm hơn làm giảm nhu cầu sưởi ấm và nguồn cung vẫn ở mức cao. Tháng 1/2023, sản lượng khí đốt tự nhiên tại 7 khu vực sản xuất lớn của Mỹ không bao gồm Alaska và vịnh Mexico ước tính tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2022, tổng sản lượng sản xuất khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng ở mức cao nhất từng được ghi nhận. Như vậy, giá hợp đồng giao kỳ hạn khí đốt tự nhiên trên sàn NYMEX đã giảm hơn 70% kể từ mức cao nhất trong 14 năm ghi nhận vào tháng 8/2022.

Giá khí đốt hạ nhiệt cho phép một số cơ sở sản xuất phân đạm bị đóng cửa ở châu Âu hoạt động trở lại, giúp tăng nguồn cung trên thị trường. Trong khi đó, một số nhà nhập khẩu lớn tăng mua phân bón của Nga với giá chiết khấu. Lượng hàng tồn kho dồi dào ở nhiều quốc gia khiến sức cầu yếu.

Giá các mặt hàng phân bón đang có xu hướng hạ nhiệt theo mức giảm của giá khí tự nhiên và dự báo căng thẳng nguồn cung giảm bớt, nhu cầu tích trữ không còn cao như đầu năm 2022. Các doanh nghiệp phân bón trong nước đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.

Thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2023

Năm 2022, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Đạm Phú Mỹ) đạt doanh thu thuần 16.827 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.646 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2021 - ghi nhận hiệu quả kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Tuy vậy, tính theo quý, sau khi đạt mức doanh thu, lợi nhuận kỷ lục trong quý I/2022, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ liên tục giảm trong 3 quý sau đó. Riêng lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 giảm 36,5% so với cùng kỳ năm 2021. Sự sụt giảm này khá tương đồng với xu hướng biến động giá và nhu cầu phân urea trên thị trường thế giới.

Giá các mặt hàng phân bón đang có xu hướng hạ nhiệt theo mức giảm của giá khí tự nhiên và dự báo căng thẳng nguồn cung giảm bớt, nhu cầu tích trữ không còn cao như đầu năm 2022. Các doanh nghiệp phân bón trong nước đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về doanh thu, lợi nhuận trong năm nay.

Tương tự, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) đạt doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2022 là 15.924 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.551 tỷ đồng, gấp 2,3 lần con số thực hiện năm 2021. Tuy vậy, doanh thu, lợi nhuận các quý II, III và IV của năm 2022 đều thấp hơn đáng kể so với đỉnh cao quý I/2022.

Ban lãnh đạo các doanh nghiệp phân bón đều khá thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2023. Chẳng hạn, cuối tháng 1/2023, HĐQT Đạm Phú Mỹ đã công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu kinh doanh giảm mạnh so với thực hiện năm 2022. Trong đó, mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 là 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 2.670 tỷ đồng (giảm 60% so với kết quả thực hiện năm 2022).

Trong lĩnh vực sản xuất phân NPK, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 được HĐQT Công ty CP Phân bón Bình Điền thông qua để trình Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, Công ty dự kiến tổng doanh thu đạt 7.476,5 tỷ đồng và 220 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 24% về doanh thu và 6,9% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2022.

Mặc dù chi phí sản xuất (giá khí đốt tự nhiên) trên đà giảm, nhưng việc giá phân bón hạ nhiệt được đánh giá sẽ khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón chịu tác động tiêu cực từ lượng hàng tồn kho khá lớn được sản xuất với chi phí cao trước đó. Tính đến cuối năm 2022, giá trị hàng tồn kho của Đạm Phú Mỹ là 4.011 tỷ đồng và Công ty đã phải trích lập dự phòng giảm giá 90,7 tỷ đồng. Đạm Cà Mau có 2.011 tỷ đồng hàng tồn kho và phải trích lập 139,3 tỷ đồng dự phòng giảm giá tính đến cuối năm 2022. Tình hình này trái ngược với đầu năm 2022 khi các doanh nghiệp hưởng lợi nhờ lượng hàng tồn kho giá thấp, trong khi giá bán và nhu cầu tiêu thụ tăng vọt.

Dù vậy, doanh nghiệp phân bón được kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng lợi nhuận cao hơn so với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước, do mặt bằng giá phân bón năm 2023 được dự báo cao hơn nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020, nguồn cung tại nhiều khu vực như châu Âu thiếu hụt khi các nhà máy tại khu vực này được dự báo hoạt động cầm chừng trước bối cảnh giá và nguồn cung khí đốt biến động thất thường.

Chuyên đề