Diễn biến giá urê giao dịch tại TP.HCM năm 2020 - 2021 (Đơn vị tính: VND/kg) |
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã nhận định về việc giá dầu tăng mạnh có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào. Nhưng bù lại, nhu cầu tiêu thụ và giá bán tăng đang giúp Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ) bội thu trong quý đầu năm 2021.
Đạm Cà Mau cho biết, sản lượng tiêu thụ sản phẩm chủ lực urê trong quý I/2021 đạt 216.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán bình quân trong quý đạt 7.076 đồng/kg, tăng 1,08%. Kết quả, doanh thu của Công ty đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 39,52% so với quý I/2020; lợi nhuận gộp đạt 267,3 tỷ đồng, tăng 33,52%. Nhờ giảm mạnh chi phí tài chính, lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau tăng tới 64%, đạt 151,6 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 92,4 tỷ đồng của quý I/2020.
Trong khi đó, chủ thương hiệu Đạm Phú Mỹ cho biết, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2021 lần lượt đạt 2.000 tỷ đồng và 171 tỷ đồng, tăng 28% và 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cho biết, tổng nhu cầu phân bón năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Riêng nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) dự kiến hồi phục 4 - 6% so với năm trước.
Ban lãnh đạo Đạm Cà Mau nêu 4 thuận lợi cho hoạt động kinh doanh năm nay. Đó là, giá urê theo dự báo của Fertecon khoảng 253 USD/tấn; theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP thế giới năm 2021 là 6%, Việt Nam là 6,5%; thời tiết thuận lợi hơn cho mùa vụ qua đó giúp nhu cầu phân bón được cải thiện; mức tồn kho cuối năm 2020 thấp, giúp chủ động trong việc phân phối sản phẩm năm 2021. Song song với thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn như: Giá dầu đang trên đà tăng, dự báo năm 2021 khoảng 60 USD/thùng, kéo theo giá khí tăng; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; dư cung lớn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu; đồng nội tệ các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… mất giá tạo lợi thế cạnh tranh xuất khẩu cho doanh nghiệp các nước này.
Bên cạnh 2 “ông lớn” trong mảng phân đạm nói trên, các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm phân lân, phân NPK và DAP cũng báo lãi đột biến. Đơn cử, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ghi nhận doanh thu trong quý I/2021 đạt 756,6 tỷ đồng (tăng 44,3% so với quý I/2020), lợi nhuận sau thuế gấp 6 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 24,2 tỷ đồng; Công ty CP Phân bón Bình Điền đạt 1.766 tỷ đồng doanh thu bán hàng (tăng gần 100%), lợi nhuận sau thuế gấp 15 lần cùng kỳ năm 2020, đạt 68,2 tỷ đồng; Công ty CP DAP - Vinachem báo lãi ròng hơn 35 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 6,2 tỷ đồng) nhờ sản lượng tiêu thụ gấp gần 3 lần quý I/2020, đạt 72.647 tấn…
Dữ liệu từ Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cho biết, tổng nhu cầu phân bón năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2020. Theo đó, lượng tiêu thụ hầu hết các loại phân bón đều tăng, đặc biệt là phân DAP tăng 12% so với năm 2020, phân lân tăng 8,7% và phân NPK tăng 4,6%. Tiêu thụ phân urê dự báo ổn định hơn với mức tăng nhẹ 0,5% so với năm 2020, trong khi phân kali tăng 2,4% và phân bón khác tăng 10,3%.
Năm 2021, dự kiến nhu cầu phân bón tại Đồng bằng sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục 4 - 6% so với năm trước, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK, phân lân, phân hữu cơ...
Với tình hình thời tiết dự báo thuận lợi hơn cho canh tác nông nghiệp nhờ hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa và giá nông sản ở mức cao, tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và chăm bón cho cây trồng, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) đưa ra nhận định khả quan đối với tiêu thụ phân bón trong năm 2021.