Doanh nghiệp nỗ lực khắc phục hậu quả bão Yagi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây những thiệt hại nặng nề đối với nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc Việt Nam. Đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhiều doanh nghiệp (DN) đang căng mình khắc phục thiệt hại do bão và ảnh hưởng của bão, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp ngành than tại Quảng Ninh đang khắc phục thiệt hại của bão để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Bảo Linh
Các doanh nghiệp ngành than tại Quảng Ninh đang khắc phục thiệt hại của bão để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Bảo Linh

Căng mình khắc phục thiệt hại

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin cho biết: “Hoạt động sản xuất đã được khôi phục từ ngày 8/9/2024, hôm nay đã ra than. Chúng tôi đang tiếp tục khắc phục một số khu vực khai thác bị ảnh hưởng với phương án vừa làm vừa kiểm tra hầm mỏ cẩn trọng để bảo đảm sản xuất an toàn”.

Ông Dũng thông tin, khi bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, khu vực mỏ Vàng Danh bị mất điện, mất thông tin liên lạc, tuyến đường từ Uông Bí vào mỏ bị đất đá sạt lở ngăn cách, chỉ còn tuyến đường vào Yên Tử để vào mỏ khá xa. Bão đã làm nhiều nhà xưởng, nhà làm việc của các công trường, phân xưởng bị tốc mái…, một số khu vực phải dừng sản xuất để bảo đảm an toàn.

Trong thông cáo vừa phát đi, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh cũng như các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Ngay sau khi cơn bão đi qua, lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo kiểm tra khắc phục hậu quả của bão tại các đơn vị nhằm sớm sản xuất ổn định trở lại.

Đối với ngành điện lực, công tác khắc phục sự cố lưới điện được khẩn trương ngay sau bão qua đi, không quản ngày đêm. Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tính đến 17 giờ ngày 11/9/2024, có hơn 4,9 triệu khách hàng/hơn 5,9 triệu khách hàng miền Bắc đã được cấp điện trở lại. Các đơn vị trong Tổng công ty đã khôi phục được 140 đường dây, 76 trạm biến áp (TBA) 110kV, 1.301 đường dây trung thế và 332 TBA cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.

Thông tin với phóng viên, đại diện Công ty Điện lực Hải Dương (PC Hải Dương) cho hay, bão đã khiến một số đường dây, TBA 110kV phải ngừng truyền tải điện, làm hư hỏng cột cùng nhiều tuyến đường dây trung thế, hạ thế, các trạm biến áp cung cấp điện của Công ty.

“Hiện nay, công tác khắc phục xử lý sự cố đang được tiến hành khẩn trương, với cấp độ nhanh nhất cùng sự vào cuộc của các đơn vị thi công khác. Tính đến 10 giờ ngày 12/9/2024, PC Hải Dương đã khôi phục vận hành lưới điện trên toàn tỉnh với 40/42 lộ đường dây 110KV và 16/17 TBA 110kV; 137/147 lộ đường dây trung áp. Khôi phục cấp điện trở lại khoảng hơn 90% khách hàng, cấp điện vận hành cho hầu hết trạm bơm ổn định hoạt động tốt”, PC Hải Dương thông tin.

Cấp thiết hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh

Hiện chưa có thống kê chính xác về mức độ thiệt hại của từng vùng, từng địa phương sau bão Yagi, nhưng cơn bão đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho nhiều người dân, DN.

Chia sẻ với phóng viên sáng ngày 12/9, chủ một DN dệt tại Nam Định cho biết, Nam Định không ảnh hưởng nhiều bởi bão số 3 như một số địa phương khác, nhưng nhà máy dệt đang bị ảnh hưởng gián tiếp do nhà máy sợi đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải dừng sản xuất từ ngày 7/9 đến nay. Vì thế, đơn hàng cung cấp cho khách hàng Nhật Bản bị chậm kế hoạch, máy móc sản xuất sợi bị hỏng do ngập nước, di chuyển…

Những ngày gần đây, kiểm tra tình hình thực tế, thăm hỏi động viên người dân và lực lượng đang làm nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng của bão và hoàn lưu sau bão, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung hỗ trợ để người dân, DN sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, ưu tiên bảo đảm cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế, các hoạt động sản xuất quan trọng.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, DN có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề