Ông Thành cho rằng với Hiệp định TPP, các ngành sản xuất có giá trị toàn cầu như dệt may, da giày… sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Điều này tạo ra sự dịch chuyển và cơ hội chưa từng có để cải tổ ngành công nghiệp VN. Cùng với TPP, việc tham gia FTA với EU sẽ tạo ra hai hiệp định cao nhất về chất lượng, có ý nghĩa lớn để phát triển mạng lưới, công nghệ, tiêu chuẩn giúp VN đạt được mục tiêu phát triển là trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên, ông Thành bày tỏ lo ngại “VN liệu có tận dụng được cơ hội khi mà doanh nghiệp (DN) VN không lớn lên được. Bởi trước khi DN lớn lên được thì đã có xu hướng cá thể hóa, li ti hóa”.
Dưới góc độ DN, ông Trần Hoài Nam, Giám đốc Công ty Sao Nam, hàng nước ngoài vào VN dễ, nhưng ra nước ngoài khó vì thiếu khâu trung gian, không thâm nhập được vào thị trường. Tiếp lời ông Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho biết việc tiếp cận thị trường, DN VN đang rất lúng túng. “Tôi và anh Võ Trí Thành đi Dubai, trung tâm thương mại toàn cầu ở đó, nhưng DN VN chưa tiếp cận được, gần 10 năm mới có một DN”, ông Thiên chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi tham gia TPP, thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp là nhiều DN quy mô nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do vậy, các DN VN cần chủ động tìm hiểu thông tin cũng như đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực. Về dài hạn, DN trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của TPP, xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.