Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu DN gắn lợi ích với cộng đồng chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Thông điệp này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 diễn ra ngày 26/6, tại Hà Nội.
Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đây là thời điểm thích hợp nhất để đặt ra vấn đề phát triển nhanh và bền vững đối với cộng đồng DN trong và ngoài nước, bởi những nỗ lực một phía từ Chính phủ là không đủ. Việt Nam đang đạt được mức tăng trưởng tốt, ký được nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt, nhiều tiềm năng như CPTPP, EVFTA... Nhưng tại thời điểm này, Việt Nam cần xác định con đường phát triển trong 5 - 10 năm tới. Mô hình kinh tế giúp Việt Nam đạt được thành công trong thời gian qua cần phải xem xét lại. Cơ hội không tồn tại mãi mãi, cho nên cần nắm bắt cơ hội của thời đại. Trước hết là thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Chính phủ và DN phải cùng nhau thúc đẩy cải cách năng lượng, cải thiện các hợp đồng mua bán điện để ngân hàng có thể tham gia. Muốn làm được điều này, cần sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư để huy động hiệu quả nguồn lực từ khu vực tư nhân. Để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa và thuận lợi hóa quy trình quản lý nhà nước; thúc đẩy nền kinh tế số...
Để hướng tới tương lai tươi sáng và thịnh vượng, theo vị đại diện của Ngân hàng Thế giới, cần có 2 yếu tố. Một là cần cái đầu lạnh để tiến hành cải cách phù hợp, đưa ra quyết định kịp thời, xác định con đường đi rõ nét. Hai là cần một trái tim, một tấm lòng để giúp Việt Nam phát triển bền vững.
Báo cáo về tình hình 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.
Nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn; chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, chưa thực sự bền vững; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp; khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ Việt Nam kiên định và quyết tâm cải cách, đổi mới toàn diện nền kinh tế. Trong quá trình đổi mới này cần có sự đồng hành của cộng đồng DN. Phương châm xuyên suốt của Chính phủ thể hiện trong rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 là lấy DN làm trung tâm của kiến tạo chính sách. Đồng thời, khích lệ DN vươn lên làm chủ khoa học, công nghệ và tham gia, trở thành bộ phận không thể thiếu của phát triển đất nước, đồng hành cùng Chính phủ trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, nâng cao trách nhiệm xã hội của các DN nhằm góp phần hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích DN, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho cả đất nước và DN.
Khẳng định quan điểm của Chính phủ trước hơn 500 đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: “Phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính phủ xác định ưu tiên phát triển nhanh để tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới. Phát triển bền vững là điều kiện đủ để đảm bảo cho nước ta phát triển trong những năm tới, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, hướng đến mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên của Chính phủ, theo Phó Thủ tướng, không ai khác là cộng đồng DN. Lý do là DN có nguồn lực, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, cung cấp đầu vào, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nếu DN gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.