Nhóm doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn được dự báo tiếp tục hưởng lợi từ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đang được triển khai. Ảnh: Trường Sơn |
9 tháng đầu năm 2024, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) đạt 706,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt 7% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Tính riêng trong quý III/2024, PTSC đạt 4.820 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện tăng từ 4,3% lên 6,9%, giúp lợi nhuận sau thuế đạt 192,7 tỷ đồng, tăng 34% so với quý III/2023.
Doanh nghiệp chuyên cung cấp giàn khoan, dịch vụ kỹ thuật về khoan và giếng khoan là Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) cho biết, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 6.400 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ước thực hiện trên 450 tỷ đồng, tăng 31%. Hiện các giàn khoan jack-up của PV Drilling đã có hợp đồng hết năm 2025, một số giàn có hợp đồng đến năm 2028. Như vậy, tính riêng trong quý III/2024, PV Drilling lãi sau thuế khoảng 170 tỷ đồng, tăng 27,8% so với quý III/2023.
Tại Báo cáo triển vọng giá dầu và cổ phiếu dầu khí 2024 - 2025, Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định, các doanh nghiệp thượng nguồn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí đang được triển khai, đặc biệt là Dự án Lô B - Ô Môn đã chính thức khởi công xây dựng vào giữa tháng 9/2024. Dự án này có thể mang về cho PTSC 5,8 tỷ USD từ các hợp đồng M&C bắt đầu từ năm 2024 và 1 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu bắt đầu từ năm 2028. Bắt đầu từ khoảng cuối năm 2024, Công ty có thể ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng EPCI 1, 2, 3. Ngoài ra, nhu cầu về các tàu dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành và bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng cho PTSC, bên cạnh việc phát triển thị trường năng lượng tái tạo điện gió ngoài khơi với vai trò là nhà thầu và chủ đầu tư.
Đối với PV Drilling, PSI cho rằng, bên cạnh các giàn khoan đã ký hợp đồng năm 2025 với các đối tác trong khu vực, PV Drilling có tiềm năng cho thuê 2 giàn khoan và có các hợp đồng dịch vụ giếng khoan cho Dự án Lô B - Ô Môn (tổng giá trị hợp đồng ước tính đạt 2 tỷ USD).
Trong khi nhóm thượng nguồn có kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực thì nhóm hạ nguồn có kết quả kém hơn. Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) ghi nhận doanh thu quý III/2024 đạt 31.077 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ bằng 1/6, đạt 37 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, PVOIL đạt 382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 664 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
PVOIL cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu rơi vào khó khăn trong quý III/2024 khi giá dầu thế giới liên tục giảm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vì thế cũng có đến 10/12 lần điều chỉnh giảm với tổng mức giảm từ 16 - 20%; ảnh hưởng của bão số 3 gây thiệt hại đến hệ thống các cửa hàng xăng dầu và hoạt động kinh doanh xăng dầu; nhu cầu tiêu thụ giảm sút...
Đối với nhóm hạ nguồn, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, giá dầu ghi nhận mức giảm tương đối mạnh, giảm 15,2% kể từ đầu quý III/2024 do các yếu tố về nhu cầu thấp. Việc này có thể tác động tiêu cực đến một số doanh nghiệp ở phía hạ nguồn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vì có thể phải tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Trong khi đó, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn bị ảnh hưởng do crack spread (khoảng khác biệt về giá giữa một thùng dầu thô và các sản phẩm dầu hỏa được tinh chế từ nó) tiếp tục ở mức thấp. MBS dự kiến, lợi nhuận quý III/2024 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.