Doanh nghiệp ngành cảng dự kiến giảm lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù được dự báo tăng trưởng về sản lượng hàng hóa tại các cảng biển và giá cước/giá thuê tàu có thể cao hơn, nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ cảng biển, vận tải biển và logistics đặt mục tiêu thận trọng về lợi nhuận trong năm 2024.
Ngành cảng biển sẽ phục hồi sản lượng trong năm 2024 do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện, giá cước, giá thuê tàu tăng cao. Ảnh: Lê Tiên
Ngành cảng biển sẽ phục hồi sản lượng trong năm 2024 do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện, giá cước, giá thuê tàu tăng cao. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Cảng Sài Gòn công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu 1.100 tỷ đồng doanh thu, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế lại giảm 35%, xuống còn 237,3 tỷ đồng.

Công ty CP Cảng Sài Gòn nhận định, tình hình kinh doanh năm 2024 sẽ chịu nhiều tác động khách quan từ hoạt động của các liên doanh, tác động về chính sách, diện tích khai thác tại Cảng Tân Thuận bị thu hẹp, khả năng tiếp nhận tàu sụt giảm... Trong bối cảnh đó, Công ty sẽ nỗ lực tìm kiếm thêm khách hàng mới; tập trung phát triển tại các khu vực còn lại như Hiệp Phước, Tân Thuận 2, Bà Rịa - Vũng Tàu; phát triển các dịch vụ gia tăng để bù đắp phần suy giảm.

Với các cảng nằm ở vị trí thuận lợi, gần nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều tuyến giao thông quan trọng, hoạt động kinh doanh chính của Công ty là cung cấp dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại cảng biển, kinh doanh kho bãi cảng, cho thuê cơ sở hạ tầng cảng biển... Địa bàn kinh doanh chính nằm ở khu vực TP.HCM (Quận 4, Quận 7) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Cái Mép - Thị Vải).

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2024 giảm 11%, xuống còn 344,3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nhận định, so với năm 2023, thị trường vận tải biển nói chung và vận tải container nói riêng trong năm 2024 sẽ có xu hướng ổn định và tăng nhẹ về giá cước vận tải cũng như giá thuê tàu, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử ,nguồn cung đội tàu sẽ tăng đáng kể trong năm 2024 trong khi những yếu tố ảnh hưởng đến cầu vẫn chưa được cải thiện trong năm 2023 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024 như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trước tình hình lạm phát, lãi suất tăng, và xu hướng chi tiêu hậu Covid-19 dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ như du lịch, chăm sóc sức khỏe…

Một số doanh nghiệp khác trong ngành cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với kỳ vọng thận trọng.

Công ty CP Cảng Quy Nhơn đặt mục tiêu 1.247 tỷ đồng doanh thu và 115 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kế hoạch doanh thu năm 2024 của Công ty tăng gần 33%, nhưng lợi nhuận giảm hơn 20% so với năm 2023. Công ty dự kiến có 11,5 triệu tấn hàng qua cảng, trong đó sản lượng container là 180.000 Teus trong năm 2024.

Sau năm 2023 duy trì được mức lợi nhuận ròng cao 271,4 tỷ đồng, Công ty CP Cảng xanh VIP lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 774 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 240 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 22% so với thực hiện năm 2023.

Ngay trong quý I/2024, Công ty Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ đã dự kiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, còn 50 tỷ đồng, dù doanh thu dự kiến tăng trưởng 5%, đạt 135 tỷ đồng.

Theo báo cáo của SSI Research, ngành cảng biển trong năm 2024 sẽ phục hồi sản lượng do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện (đặc biệt là từ việc bổ sung hàng tồn kho ở Mỹ/châu Âu), trong khi nguồn cung sẽ duy trì ổn định đến năm 2025.

SSI dự báo mức tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu trong năm 2024 so với năm 2023 là 10% và tăng trưởng sản lượng hàng hóa (xét về sản lượng container TEU) cho toàn ngành cũng tăng 10% so với năm 2023. Đặc biệt, mức tăng trưởng có thể mạnh hơn trong nửa đầu năm 2024 do mức nền so sánh thấp trong năm 2023.

Không chỉ tăng về sản lượng, Bộ Giao thông vận tải mới đây đã ban hành Thông tư 39/2023/TT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 15/2/2024) quy định biểu giá mới về xếp dỡ container tại cảng biển và các dịch vụ khác cho ngành cảng biển Việt Nam. Đây là động thái được tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành chờ đợi từ lâu, với việc tăng giá sàn cho dịch vụ xếp dỡ container lên khoảng 10% đối với cả cảng trung chuyển và cảng nước sâu so với Thông tư 54/2018/TT-BGTVT. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho ngành, đặc biệt là các cảng biển có công suất hoạt động cao và nằm ở những vị trí ít bị cạnh tranh hơn (khu vực cảng nước sâu như Lạch Huyện và Cái Mép).

Chuyên đề