DN cần nâng cao trình độ quản trị, tuân thủ pháp luật tốt hơn để nói “không” với chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Ảnh: Hoài Tâm |
Liên tục tiếp đón 4 đoàn thanh, kiểm tra
Sau khi Thanh tra Bộ Y tế công bố quyết định thanh tra (ngày 9/5/2019), ngày 14/5/2019, Công ty TNHH Thương mại Isopharco (Hà Nội) có Văn bản số 01/2019/BC-ISO phản hồi về việc trước đó không lâu, tháng 3/2019, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại Công ty với cùng một nội dung.
Tương tự, Công ty CP Truepharco (Hà Nội) cũng phản ứng lại Thanh tra Bộ Y tế vì trước đó đã có tới 4 đoàn thanh, kiểm tra liên tục từ tháng cuối năm 2018 tới tháng 4/2019...
Bất bình về gánh nặng thanh, kiểm tra hiện nay, giám đốc một DN chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, mỗi năm, DN phải tiếp đón ít nhất 8 - 10 đoàn thanh, kiểm tra theo ngành dọc, chưa kể các đoàn của huyện, xã... Đề cương nội dung và quy trình thanh, kiểm tra đều hao hao giống nhau như: điều kiện sản xuất, chủng loại hàng hóa, xuất xứ, lấy mẫu sản phẩm... Sở dĩ vị giám đốc DN này xin giấu tên vì lo ngại rằng, nếu xuất đầu lộ diện thì ngay sau đó tự nhiên có thêm nhiều đoàn thanh, kiểm tra nữa đến thăm.
Để tiếp đón một đoàn thanh tra như vậy, chủ DN này cho biết, DN phải huy động, dồn hết nhân viên văn phòng với khoảng 10 người để chuẩn bị các loại thủ tục, giấy tờ. Đa số các cuộc thanh, kiểm tra đều yêu cầu làm việc trực tiếp với chủ DN. Có cuộc thanh, kiểm tra diễn ra vài ba ngày, nhưng có những cuộc kéo dài tới hơn 2 tuần. Trung bình mỗi năm, DN mất trên dưới 1 tháng chỉ để phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, cơ quan nào cũng có chức năng thanh, kiểm tra nên cứ “mạnh ai nấy làm”, nội dung chồng chéo, trùng lặp nhiều. Tần suất thanh, kiểm tra cũng đang có chiều hướng gia tăng.
“Phiền toái nhất là thời điểm thanh, kiểm tra lại rơi đúng vào mùa cao điểm của DN, làm báo cáo tài chính hay cần tập trung cho các đơn hàng để giao hàng cho đối tác đúng hạn... ”, vị giám đốc này phàn nàn.
Chia sẻ với những bức xúc của DN, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thanh, kiểm tra là công cụ quản lý nhà nước nhằm phát hiện các hành vi gian dối và hướng dẫn DN tuân thủ đúng pháp luật. Chỉ thanh, kiểm tra khi thực sự cần thiết, phải có căn cứ xác đáng nghi vấn DN có dấu hiệu gian lận nhằm quản lý rủi ro. Công tác thanh, kiểm tra không được làm ảnh hưởng, xáo trộn hoạt động bình thường của DN. Tất cả các cuộc thanh, kiểm tra không nhất thiết yêu cầu phải gặp gỡ lãnh đạo, chủ DN, mà chỉ cần yêu cầu DN bố trí một bộ phận phụ trách là đủ. Thời điểm thanh, kiểm tra nên tránh thực hiện vào mùa cao điểm của DN như mùa làm báo cáo thuế, báo cáo tài chính...
Chi phí không chính thức được coi như thông lệ kinh doanh
Đồng thuận với quan điểm của ông Phan Đức Hiếu, vị giám đốc nêu trên cho biết, DN khổ nhất là những cuộc thanh, kiểm tra kéo dài, yêu cầu từ giải trình vấn đề nọ đến bổ sung văn bản kia... “Trong nhiều trường hợp, mặc dù không có sai phạm nào nhưng vì quá sốt ruột, DN chấp nhận chọn giải pháp chi ra một chút tiền cho sớm được việc, để tập trung hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều DN hiện nay”, vị giám đốc xin giấu tên thừa nhận.
Trong khi đó, Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 cho thấy, mặc dù hiện tượng tham nhũng vặt, chi phí không chính thức của DN năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao. Ấn tượng hơn cả là con số 39,3% DN trả lời khảo sát cho biết đã từng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra (năm 2017 là 51,9%; năm 2014 là 65,6%).
Do đó, nhóm nghiên cứu PCI cho rằng, để tiếp tục giảm chi phí không chính thức cho DN, cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước, đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng DN. Bản thân các DN cũng cần nâng cao trình độ quản trị, nắm bắt và tuân thủ pháp luật tốt hơn, tăng cường liêm chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của chính mình.
Việc DN chấp nhận chi trả chi phí không chính thức như một thông lệ kinh doanh phổ biến là điều rất đáng quan ngại, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và thông thoáng. Thậm chí, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo động, một số nhà đầu tư đã tính khoản chi phí không chính thức này vào chi phí rủi ro khi đến đầu tư tại Việt Nam.
Mặt khác, những hành vi lạm dụng công cụ quản lý nhà nước để trục lợi cá nhân như trường hợp một số cán bộ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc mới đây..., theo ông Hiếu, cần lên án mạnh mẽ. Muốn làm được điều này cần có sự vào cuộc, phối hợp của cả xã hội, từ các DN, hiệp hội cho đến người dân.