Doanh nghiệp Mỹ chật vật xoay sở trước áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào đầu mùa báo cáo tài chính này, CEO Goldman Sachs David Solomon đưa ra quan điểm rằng, lạm phát đã “ăn sâu” vào nền kinh tế Mỹ và tác động đến điều kiện kinh doanh trên nhiều phương diện. Kể từ đó, các nhà điều hành doanh nghiệp khác đều đưa ra những đánh giá tương tự.
Hãng xe điện Tesla đã đưa ra lời xin lỗi về việc phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp cho chi phí gia tăng. Ảnh Internet
Hãng xe điện Tesla đã đưa ra lời xin lỗi về việc phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp cho chi phí gia tăng. Ảnh Internet

Hầu hết trong số họ đều cho biết đang cố gắng xoay sở vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, khi lạm phát ở Mỹ tăng lên mức cao nhất hơn 40 năm. Những biện pháp được kể đến bao gồm: cắt giảm chi phí, tăng giá bán sản phẩm, và điều chỉnh mô hình kinh doanh cho phù hợp với trạng thái có nhiều bấp bênh phía trước.

Mới đây, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk đã đưa ra lời xin lỗi về việc phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp cho chi phí gia tăng.

“Chúng tôi đã tăng giá vài lần. Thành thật mà nói, giá xe đang ở mức cao. Tuy nhiên, chúng tôi đang phải đối phó với nhiều cú sốc trong chuỗi cung ứng và sản xuất, và lạm phát cũng đang tăng điên cuồng. Tôi không dám hứa, mà chỉ hy vọng là sẽ đến lúc chúng tôi có thể giảm giá sản phẩm một chút”, ông Musk nói.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chẳng có gì là chắc chắn ngoài việc lạm phát đang là mối lo của tất cả doanh nghiệp Mỹ. Theo dữ liệu từ FactSet, trong số 91 công ty trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II tính đến thời điểm này, lạm phát được đề cập trong 85 cuộc điện đàm với giới phân tích.

Cũng giống như ông Musk, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác cho rằng, lạm phát sẽ dịu đi sau khi tăng lên mức 8,6% trong tháng 5. Nhưng trên thực tế, con số này đã vọt lên mức 9,1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981.

“Phản ứng chính của chúng tôi với môi trường lạm phát nhiều thách thức hiện nay là tăng giá”, ông Michael F. Klein, Chủ tịch mảng bảo hiểm cá nhân tại Travelers - một thành viên của chỉ số Dow Jones, cho biết.

Việc tăng giá sản phẩm chưa ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp, với các con số báo cáo kết quả kinh doanh quý II được đưa ra nhìn chung đi ngược lại những dự báo bi quan trước đó của giới phân tích.

Theo dữ liệu của Refinitive, 78% số công ty trong S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh ghi nhận lợi nhuận vượt dự báo, và mức tăng trưởng lợi nhuận là 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt doanh thu vượt dự báo là 72,5%, và mức tăng trưởng doanh thu là 11,3%.

Mặc dù, các công ty năng lượng là một cú huých lớn cho tổng doanh thu và lợi nhuận nói chung của các doanh nghiệp niêm yết; tuy nhiên, cảm giác chung hiện nay là người tiêu dùng ở Mỹ - với lượng tiền mặt dồi dào - đang chống chịu tốt với sự gia tăng của giá cả, ít nhất cho tới hiện tại.

“Chúng tôi đã và tiếp tục có thể đẩy phần lạm phát giá thành sản phẩm về phía khách hàng, và họ cũng tìm cách để đẩy phần chi phí đó về phía người tiêu dùng. Chúng tôi tin rằng, việc này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn”, Giám đốc tài chính tại Sysco Aaron Alt cho biết.

Theo CNBC, các chuyên gia kinh tế đang lo ngại rằng một cuộc suy thoái có thể sắp xảy ra, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng - hoạt động đến nay vẫn tăng trưởng, nhưng tăng chậm hơn tốc độ tăng của lạm phát.

CEO Jane Fraser của Citigroup cho biết ngân hàng này hiện đang tập trung vào ba vấn đề là Nga, lãi suất và suy thoái.

Xung đột Nga - Ukraine đã làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khiến lạm phát trở nên trầm trọng hơn. Để chống lại lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay tăng lãi suất. Điều này có thể khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh. Trong quý đầu năm, GDP của Mỹ đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo, mức giảm tương tự sẽ lại được ghi nhận trong quý II, đồng nghĩa với một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Tuy nhiên, bà Fraser tin tưởng rằng Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái chính thức, hoặc ít nhất là một cuộc suy thoái sâu.

Chuyên đề