Doanh nghiệp “loay hoay” ứng phó với giá điện tăng

(BĐT) - Với quyết định điều chỉnh tăng giá điện bình quân lên hơn 6% từ ngày 1/12/2017 vừa qua, không chỉ người dân, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất sẽ bị tác động tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh. Các DN sản xuất, thi công sử dụng năng lượng điện lớn, tỏ ra lo ngại trước quyết định tăng giá này.
Doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao năng lượng để hạn chế tác động của việc tăng giá điện. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp cần đầu tư thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao năng lượng để hạn chế tác động của việc tăng giá điện. Ảnh: Nhã Chi

Chi phí tăng

Từ ngày 1/12/2017, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân trước thời điểm đó (1.622,01 đồng/kWh). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh nên điện tăng giá lần này chắc chắn tác động tới các ngành kinh tế, gia tăng chi phí cho DN.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều DN tỏ ra khá bất ngờ và lo lắng trước việc tăng giá điện lần này.

Ông Vũ Đức Quyển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghệ gạch không nung Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện khá bất ngờ và chắc chắn, chi phí sản xuất DN sẽ tăng lên. Theo tính toán sơ bộ của Công ty, nếu như trước đây sản xuất 1 viên gạch không nung chỉ mất 10 - 12 đồng/viên, nhưng giá điện tăng thì chi phí điện cho sản xuất gạch cũng tăng thêm 2 - 3 đồng/viên.

Ông Hoàng Hải Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 25 cho biết, giá điện tăng thì chi phí DN sẽ tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN phần nào cũng bị tác động.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị trường, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, đợt tăng giá điện lần này khá đột ngột. Đến thời điểm này, DN chưa lượng hóa được giá điện tăng sẽ tác động tăng thêm bao nhiêu phần trăm chi phí. Tuy nhiên, chắc chắn các loại chi phí sẽ tăng.

Một số DN là nhà thầu khác cũng tỏ ra quan ngại trước tác động tăng giá điện tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngay trong năm 2017 cũng như nhiều năm tới.

Loay hoay bài toán chi phí

Bộ Công Thương cho biết, hiện các khoản chi phí khác, trong đó có lỗ tỷ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016. Do vậy, nguy cơ giá điện tăng cao vào những năm tới là có thể xảy ra. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giải thích lý do quyết định tăng giá điện trong khi lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn cao tới 2.600 tỷ đồng, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017 vừa diễn ra, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Đợt tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.

Trong thông cáo phát đi ngày 30/11/2017, Bộ Công Thương khẳng định, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ. Trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng, giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.

Làm thế nào để tiết giảm các chi phí nhằm cân đối với chi phí giá điện tăng là vấn đề khiến nhiều DN đau đầu.

Ông Vũ Đức Quyển cho biết: “Hiện DN chưa có biện pháp gì để tiết kiệm chi phí khi giá điện tăng, bởi gần như các bài toán tiết giảm chi phí sản xuất đã được tối ưu. Nếu tăng giá bán sản phẩm thì chắc chắn sẽ khó cạnh tranh”.  Với chiều hướng này, ông Quyển ngậm ngùi: “Lợi nhuận của DN chắc chắn sẽ giảm”.

Một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, DN cần đầu tư thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao năng lượng. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương công bố gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ “lạc hậu” còn khá lớn.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cho biết, hiện các khoản chi phí khác, trong đó có lỗ tỷ giá chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016. Do vậy, nguy cơ giá điện tăng cao vào những năm tới là có thể xảy ra. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ dành cho các DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư