Doanh nghiệp lo ngại gánh nặng định mức chi phí tái chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về định mức chi phí tái chế thực hiện trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) của nhà sản xuất, nhập khẩu. Mặc dù yêu cầu này được xem là điểm rất tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng có ý kiến cho rằng, định mức chi phí tái chế (Fs) như Dự thảo là chưa phù hợp, tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN, trong bối cảnh đang rất khó khăn.
Ảnh: Bích Thủy
Ảnh: Bích Thủy

Việc xây dựng Dự thảo Quyết định, ông Phan Tấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo lộ trình quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, 4 nhóm sản phẩm gồm: bao bì, săm lốp, dầu nhớt, pin ắc quy sẽ bắt đầu thực hiện yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) từ ngày 1/1/2024, ngành điện tử là bắt đầu từ ngày 1/1/2025, ô tô xe máy là từ ngày 1/1/2027. Doanh nghiệp được quyền lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Theo đó, Dự thảo Quyết định được xây dựng trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế từ 72 cơ sở tái tái chế trên cả nước, trong đó định mức chi phí tái chế (Fs) được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của sản phẩm để tái chế trên 1 kg, từ phân loại, thu gom, tái chế - điện nước, nhân công… Với cơ chế Fs này, những sản phẩm vốn xưa nay không ai tái chế thì nay sẽ có giá trị, tạo đòn bẩy kinh tế để hệ thống thu gom nhiều hơn, nhà xuất nhập khẩu thay đổi sản phẩm để giảm trách nhiệm, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hiện có 3 luồng ý kiến. Nhóm hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, Fs tại Dự thảo Quyết định là cao. Nhưng nhóm doanh nghiệp tái chế lại cho rằng, chi phí Fs là thấp quá, khó thu hút đầu tư. Nhóm thứ ba là các tổ chức quốc tế, họ cho rằng chi phí còn thấp so với quốc tế, cần có sự phân biệt giữa sản phẩm có giá trị cao và giá trị thấp, khó tái chế để thay đổi hành vi của nhà sản xuất. Kinh nghiệm các nước đa dạng, không có cơ sở để so sánh ngang bằng bởi hệ thống phân loại, thu gom và cách tính chi phí khác nhau, đa phần là dùng thỏa thuận theo mong muốn của hai bên mà không thể hiện được đầy đủ chi phí.

Mới đây, 14 hiệp hội đại diện cho nhiều ngành kinh tế đã gửi thư góp ý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO), Fs của nhôm tại Dự thảo Quyết định (6.180 đồng/kg) cao gấp 4,9 lần trung bình các nước (1.250 đồng/kg), gấp nhiều lần Na Uy và Đan Mạch. Fs của giấy hỗn hợp của Việt Nam (10.815 đồng/kg) cao gấp 4,3 lần trung bình các nước (2.500 đồng/kg). Theo nhóm hiệp hội trên, Fs đề xuất cao hơn nhiều Fs của 2 nghiên cứu khác của Liên minh Tái chế Bao bì Việt nam (PRO) và Đại học Kinh tế Quốc dân (cao hơn 3,6 lần với sản phẩm giấy, cao hơn 10,3 lần với sản phẩm nhôm). Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được.

Tại Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 28/6, nhiều ý kiến cho rằng, định mức chi phí Fs tại Dự thảo là quá cao. Nếu theo cách tính của Dự thảo, các sản phẩm nước uống đóng chai sẽ tăng thêm 1,36%; bia lon là 0,6%, bịch sữa là 0,2%. Đó là chưa tính cả chi phí tái chế bao bì đóng gói gián tiếp (thùng, hộp carton), chi phí tái chế thiết bị, phương tiện vận chuyển…

“Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Chi phí đó cuối cùng sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng”, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm Kỹ thuật của Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu nhận định.

Chia sẻ về giải pháp triển khai định mức tái chế với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uy cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng cần thay đổi cách tiếp cận để tính toán lại định mức Fs cho phù hợp theo từng sản phẩm, nên áp dụng theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Các vật liệu giá trị tái chế thấp (như túi nilon) không có lợi nhuận khi tái chế nên ít được thu hồi, mới là vấn đề chính với môi trường hiện nay, cần nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế, nhưng cần phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, không được cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong đó, cũng là bao bì, những bao bì giấy hỗn hợp nên tính Fs là 2.575 đồng/kg; bao bì đơn vật liệu mềm là 1.802 đồng/kg; ba bì đa vật liệu mềm là 4.378 đồng/kg.

Còn những vật liệu có giá trị thu hồi cao (sắt thép, nhôm, giấy carton, bao bì nhựa cứng, phương tiện giao thông…), các nhà tái chế các vật liệu này đều đang có lãi, do giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, hầu như được thu gom hết nên rất ít có nguy cơ gây hại cho môi trường. Do vậy, nếu yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế khi đơn vị tái chế đang có lãi là chưa hợp lý. Với các vật liệu này, Fs = 0 mới là hợp lý, vì yêu cầu người dân và nhà sản xuất nộp tiền để hỗ trợ nhà giàu là bất hợp lý. Đây là kinh nghiệm của Na Uy và Đan Mạch.

“EPR là một vấn đề rất mới với Việt Nam và cả châu Á, nên nếu áp dụng, hai năm đầu thực hiện định mức Fs thì cơ quan chức năng cần tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận. Nên cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế cho 1 loại bao bì trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn 1 trong 2 hình thức. Thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường, vừa giảm được khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Uy khuyến nghị.

Chuyên đề