Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng phát triển năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp (DN) châu Âu kết thúc năm 2020 với góc nhìn lạc quan về môi trường thương mại, đầu tư của Việt Nam. Niềm tin này càng được củng cố khi bức tranh kinh tế tháng đầu tiên của năm 2021 có dấu hiệu tốt, trong đó có sự khởi sắc về DN thành lập mới.
Trong tháng 1/2021, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 1/2021, cả nước có gần 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Xu hướng tích cực

Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier cho rằng, BIC mới nhất là một bức tranh tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam và định hướng triển vọng năm 2021. Niềm tin của cộng đồng DN vào nền kinh tế ngày càng được củng cố đang tạo ra một nền tảng cho tăng trưởng kinh tế 5 năm tới của Việt Nam.

Theo EuroCham, BCI đã tăng 37 điểm kể từ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức điểm thấp kỷ lục trong quý I/2020 với sự bùng phát dịch Covid-19 lần thứ nhất. Kể từ đó, BCI đã duy trì mức tăng tích cực khi Việt Nam đối phó thành công với đại dịch và kết hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cải thiện niềm tin vào nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Khảo sát về triển vọng kinh tế Việt Nam trong quý tới, 57% thành viên EuroCham tham gia dự đoán sự “ổn định và cải thiện” sẽ được duy trì trong quý I/2021, tăng mạnh so với 39% trong quý III/2020.

Về triển vọng của DN, lãnh đạo các DN châu Âu tại Việt Nam tỏ ra lạc quan hơn, khi có tới 1/3 thành viên EuroCham dự đoán số lượng nhân viên của họ sẽ tăng lên trong quý tiếp theo, và 57% dự đoán sẽ duy trì mức hiện tại. Bên cạnh đó, 30% DN tham gia khảo sát dự đoán đầu tư sẽ phát triển và 43% dự đoán các đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tăng trưởng.

Với kết quả này, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành YouGov Việt Nam cho rằng: “Xu hướng nhận thức tích cực của các DN châu Âu cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam - trái ngược với tình hình ở các nơi khác trên thế giới”.

Không chỉ các DN đến từ châu Âu, kết quả khảo sát được Tổng cục Thống kê công bố hồi cuối năm 2020 cho thấy, có gần 43% DN được khảo sát đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên, 38,2% DN cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định, chỉ có 19% DN dự báo sẽ khó khăn hơn.

Thực tế, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn có gần 10,1 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 155,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21,9% về số DN và tăng 25,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 ở hầu hết các lĩnh vực.

Tiếp đà phát triển cho doanh nghiệp

Niềm tin của các DN vào môi trường kinh doanh đến từ nhiều phía, trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách. Từ ngày 1/1/2021 vừa qua, hai đạo luật quan trọng về đầu tư kinh doanh là Luật DN 2020 và Luật Đầu tư 2020 đã chính thức có hiệu lực. Với nhiểu điểm mới, theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các luật này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực tới hoạt hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.

Đề cập về những điểm mới đáng lưu ý của Luật DN 2020, ông Hiếu cho biết, ngoài những cải cách liên quan đến cắt giảm chi phí cho DN trong việc gia nhập thị trường, lần này, Luật hướng đến quản trị tốt thông qua cải thiện khung khổ pháp lý về quản trị DN và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ tốt của quốc tế.

Thông điệp của Luật DN 2020 lần này là đưa DN trở thành công cụ kinh doanh “an toàn”, “rẻ hơn” để người dân yên tâm, tin tưởng bỏ tiền ra đầu tư. “Và khi cổ đông được bảo vệ tốt, thị trường vốn có cơ hội phát triển nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các DN muốn huy động nguồn lực ngoài ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu chia sẻ.

Cùng với những điểm mới tích cực của Luật DN 2020, lãnh đạo CIEM nhìn nhận, Luật Đầu tư 2020 cũng có nhiều điểm mới, góp phần mang lại những cơ hội mới cho nhà đầu tư. Đó là Luật đã bổ sung một số ngành nghề ưu đãi đầu tư dự kiến sẽ khiến hoạt động đầu tư sôi động hơn như: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành…

“Đặc biệt, quy trình đầu tư chặt chẽ quy định trong Luật Đầu tư mới là “phin” lọc nhà đầu tư, nhằm chọn được những nhà đầu tư, dự án đầu tư chất lượng. Điều này mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư thực chất, có năng lực…, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư”, ông Hiếu tin tưởng.

Chuyên đề