Doanh nghiệp kỳ vọng vào các động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chưa hết dư chấn của các đợt bùng phát dịch Covid-19, làn sóng dịch bệnh lại tiếp tục bủa vây nhiều quốc gia trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ cao xâm nhập nước ta, tác động đối với nền kinh tế, doanh nghiệp là không nhỏ. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được chú trọng nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Làn sóng công nghệ số, công nghệ 4.0 là thời cơ để doanh nghiệp ứng dụng vào tái cấu trúc, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Làn sóng công nghệ số, công nghệ 4.0 là thời cơ để doanh nghiệp ứng dụng vào tái cấu trúc, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Trong chuyên đề đặc biệt này, Báo Đấu thầu giới thiệu một số ý kiến của doanh nghiệp về niềm tin, sự kỳ vọng vào các động lực phát triển trong thời gian tới.

Sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị với doanh nghiệp là động lực to lớn

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Năm 2021, kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Trong khi đó, nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước đang có dấu hiệu giảm sút. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những vận hội vô cùng lớn. Đó là Việt Nam được thế giới đánh giá có uy tín cao trong phòng, chống dịch Covid-19, từ đó trở thành điểm đến an toàn, được nhiều quốc gia chọn đầu tư dài hạn. Việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mang đến nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam có cơ hội kết nối với tất cả các thị trường trên thế giới. Đây là lợi thế đặc biệt mà nhiều quốc gia không có được.

Làn sóng công nghệ số, công nghệ 4.0 là thời cơ để doanh nghiệp ứng dụng vào tái cấu trúc, điều chỉnh mô hình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó thay đổi vị thế, thứ hạng và hiệu quả trên thương trường quốc tế. Đây là cơ hội rất lớn giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bứt tốc.

Trong khi đó, nhận thức về vai trò doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đối với sứ mạng phát triển đất nước được đặt lên vị trí quan trọng. Sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị đối với hoạt động phát triển kinh doanh của doanh nghiệp là một động lực, nguồn lực to lớn để doanh nghiệp Việt Nam bứt phá.

Trong cái khó, ló cái khôn

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn

Dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm đặt doanh nghiệp vào vòng xoáy của hàng loạt khó khăn bủa vây. Đơn cử, Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều vật tư, máy móc ngành nhựa cho doanh nghiệp Việt Nam, nay do dịch bệnh nên các chuyên gia Trung Quốc không thể sang Việt Nam. Do đó, hoạt động của các công ty nhựa gặp nhiều trở ngại, dây chuyền máy móc không thể vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa… Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp ngành nhựa giảm sút.

Tuy nhiên, sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành đối với doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Đây là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp biến cái khó thành những cái khôn cải hóa hoàn cảnh. Theo đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đang tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa và ổn định đơn hàng. Song song đó, Công ty tập trung vào các đối tác nước ngoài có thể làm việc online.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tương trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn như chia sẻ đơn hàng, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, hỗ trợ chia sẻ, tận dụng trang thiết bị sản xuất...

Doanh nghiệp cần đổi mới, đột phá trong quản trị điều hành

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc kiểm soát, khống chế đại dịch Covid-19 là tiền đề thuận lợi để các nhà đầu tư lớn của thế giới đến Việt Nam, từ đó tạo thêm cơ hội việc làm cho doanh nghiệp trong nước. Hy vọng, bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ mới tiếp tục đổi mới trong điều hành, sáng suốt đưa ra các chiến lược lớn và nhiệt huyết thực thi các chính sách để tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình ổn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp cần có những đột phá trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, áp dụng các giải pháp về công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả và linh hoạt. Trong bối cảnh hiện nay, môi trường cạnh tranh của doanh nghiệp ngày càng khốc liệt, nếu không có những cải tiến vượt trội để giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn thì doanh nghiệp rất khó trụ vững. Để tạo nên sức mạnh tổng hợp, doanh nghiệp cần xây dựng hệ sinh thái hoạt động, tìm cách liên doanh, liên kết trên nhiều mặt với các đối tác phù hợp, tận dụng và phát huy được thế mạnh của nhau, cộng sinh và phát triển.

Không chỉ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp còn cần hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực, liên kết chuỗi, cùng đầu tư vào máy móc, thiết bị, tận dụng và phát huy lợi thế riêng trong từng khâu, từng công đoạn của chuỗi sản xuất. Đồng thời, phải có tầm nhìn trong đầu tư máy móc, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, có tầm nhìn chiến lược để phát triển nguồn lực tài chính thì mới tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường, duy trì hiệu quả bộ máy hoạt động, sản xuất được các sản phẩm tốt nhất, có giá cả phù hợp phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Chuyển đổi số là nền tảng giúp doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh nhanh hơn

Ông Đàm Quang Hùng, Tổng giám đốc Thingo Group

Năm 2020 là một năm thách thức, nhưng dịch Covid-19 cũng là chất xúc tác làm mỗi người thay đổi nhanh hơn, nhiều hơn thói quen tiêu dùng. Đồng thời, tư duy của Đảng, Nhà nước với khu vực tư nhân có nhiều thay đổi, đề cao vai trò, việc thúc đẩy chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng là nền tảng giúp doanh nghiệp ứng phó nhanh hơn trong điều kiện dịch bệnh, qua đó thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử phát triển vượt bậc. Là doanh nghiệp vận hành mô hình kinh doanh phát triển hệ thống phân phối dựa trên nền tảng công nghệ số, nền tảng mạng xã hội về thương mại điện tử, Thingo cũng đạt được sự tăng trưởng ngoài kỳ vọng trong năm qua.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp đều định hướng chuyển đổi số từ sản xuất đến phân phối, đầu tư nhiều nguồn lực hơn, đặc biệt là nguồn lực về con người, thay đổi văn hóa làm việc và phương thức quản trị. Chính phủ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số, từ đó tận dụng được nhiều nguồn lực hơn, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp tư nhân.

Biến thách thức thành động lực phát triển

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC

Là tập đoàn đi đầu về khoa học công nghệ của quốc gia, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành tập đoàn số, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức tăng tốc chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để biến những thách thức từ đại dịch Covid-19 thành động lực phát triển. Mặc dù nhiều doanh nghiệp trực thuộc lao đao trong đại dịch nhưng kết thúc năm tài chính 2020, doanh thu lũy kế toàn Tập đoàn vẫn đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2019 và đạt 101% so với mục tiêu, lợi nhuận trước thuế đạt gần 360 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019.

Với tầm nhìn hướng tới tương lai số một cách chủ động, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ các giải pháp ưu việt, giúp khách hàng, doanh nghiệp không chỉ trụ vững mà còn khởi sắc trong dịch bệnh Covid-19. Thời gian qua, chúng tôi đã cùng nhiều đối tác, khách hàng vượt qua đại dịch một cách mạnh mẽ, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh liền mạch và giữ vững đà tăng trưởng. Trong diễn biến phức tạp của đại dịch, CMC đã và đang phát huy các ưu thế về công nghệ thông tin, viễn thông, sớm đưa các ứng dụng Microsoft Teams, Zoom, nhận diện khuôn mặt, CMC Cloud… vào hoạt động sản xuất kinh doanh của bản thân doanh nghiệp cũng như cung cấp các giải pháp, công nghệ làm việc cho khách hàng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu kép của Chính phủ: vừa chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam biến thách thức từ Covid-19 thành cơ hội

Ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam

2020 được xem là một năm của những khó khăn lớn đối với kinh tế thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và giữ được mức tăng trưởng dương. Đồng thời, quy mô nền kinh tế nước ta đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).

Điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua là biến khó khăn thành cơ hội. Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh chóng ngay sau khi các đợt dịch bệnh bùng phát; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục trong khi thu hút và giải ngân FDI duy trì ở mức cao nhờ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do và quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất siêu hàng hóa đạt mức cao kỷ lục (19,1 tỷ USD) và cán cân thương mại duy trì xuất siêu 5 năm liên tiếp. Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công nhằm tạo sức bật cho tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19. Tiêu dùng trong nước phục hồi ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cân đối vĩ mô tiếp tục được củng cố, lạm phát ổn định dưới 4%. Điều này phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu.

Nền kinh tế phục hồi nhanh chóng hỗ trợ cho triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt

Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra thành công, mở đầu cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng như tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045. Với bộ máy nhân sự mới, nền kinh tế được kỳ vọng có một môi trường mới và ổn định để phát triển.

Trong năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Năm 2021, một số chính sách vẫn còn hiệu lực cùng với một số chính sách mới đang được đề xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề chịu mức tăng trưởng âm trong năm 2020. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2021 được dự báo hồi phục mạnh nhờ các gói kích thích tăng trưởng (đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng…), lãi suất thấp, nền kinh tế hồi phục khi dịch Covid-19 được kiểm soát cùng sự ra đời của vaccine…

Các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 như bán lẻ, cảng hàng không và dịch vụ hàng không dự báo sẽ hồi phục toàn phần, còn vận tải hàng không hồi phục chậm hơn và vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2021. Các ngành bị ảnh hưởng gián tiếp như dầu khí, xăng dầu, dệt may, thủy sản dự báo sẽ hồi phục khoảng 70 - 80% so với mặt bằng trước dịch. Việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giúp các ngành xi măng, đá và vật liệu xây dựng hưởng lợi. Các nhóm ngành vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021 gồm có công nghệ thông tin, cảng biển, dược phẩm, ống nhựa, thép, ô tô, cao su săm lốp… Dưới góc độ chu kỳ, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục trong năm tới thì các nhóm ngành như bất động sản, dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp… sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ nhất.

Chuyên đề