Doanh nghiệp kỳ vọng tích cực vào quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong quý III đã khiến tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đảo chiều. Số liệu về đăng ký DN quý III và 9 tháng năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, số DN thành lập mới giảm mạnh, số DN dừng hoạt động tăng cao. Tuy nhiên, nhiều DN tin tưởng tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) sẽ tốt hơn trong quý IV.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm suy yếu sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm suy yếu sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Số DN dừng hoạt động lớn hơn DN thành lập mới

Thông tin về “sức khỏe” của DN Việt Nam trong tháng 9 và 9 tháng năm 2021, bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý III/2021 đã khiến sức chống chịu của DN Việt Nam suy yếu. Số DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm sâu.

Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý III, tổng số DN thành lập mới là 18,4 nghìn DN, thấp nhất trong quý III kể từ năm 2015 đến nay. “Con số này giảm 51,3% so với quý II và giảm hơn 37% so với quý I năm nay, đặc biệt giảm 50,1% so với cùng kỳ năm 2020”, bà Nga nhận xét.

Tính chung 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn DN đăng ký thành lập, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số DN gia nhập thị trường thấp nhất so cùng kỳ kể từ năm 2017 đến nay. Vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 9 tháng là 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước…

Theo bà Nga, khó khăn chồng chất đã khiến số DN phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng tăng.

Cụ thể, số DN tạm dừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể lên tới trên 90,3 nghìn DN trong 9 tháng qua, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn DN, tăng 16,7%; số DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 32,4 nghìn DN, tăng 17,4%… Các DN dừng hoạt động chủ yếu là DN nhỏ và vừa có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng.

“Bức tranh hoạt động DN quý III và 9 tháng đã có sự đảo chiều so với thông thường khi số DN dừng hoạt động lớn hơn số DN thành lập mới”, bà Nga nói.

Lạc quan về triển vọng kinh doanh

Khó khăn chồng chất, song với những tín hiệu tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh ở nhiều địa phương, nhất là mức độ bao phủ vắc xin - “chìa khóa” mở cửa trở lại nền kinh tế - ngày càng tăng, nhiều DN rất lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm và thời gian tới.

Kết quả một cuộc điều tra xu hướng SXKD hàng quý với sự tham gia của 6.500 DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 DN ngành xây dựng được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, có gần 74% DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định tình hình SXKD quý IV/2021 tốt hơn và giữ ổn định. Gần 76% DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia điều tra cho rằng số đơn đặt hàng mới tăng hoặc giữ nguyên. Đặc biệt, các DN khá lạc quan về đơn hàng xuất khẩu… Các DN ngành xây dựng cũng nhận định tình hình SXKD quý IV có dấu hiệu khả quan hơn quý III/2021.

Với triển vọng này, bà Nga cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giúp DN khôi phục và thúc đẩy SXKD. Theo đó, Chính phủ và các cấp đẩy mạnh việc kiểm soát sớm dịch bệnh và nới lỏng để hoạt động SXKD an toàn trong tình hình mới, trong đó có vấn đề đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, lưu thông hàng hóa… Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho DN (chi phí logistics, xét nghiệm Covid-19); gỡ bỏ những “quy định con” gây khó cho DN…

Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 6 giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó nhấn mạnh giải pháp Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới, tạo điều kiện cho DN tổ chức SXKD sớm nhất.

Nhiều ý kiến của các hiệp hội DN và DN cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh và hiệu quả hơn nữa việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đã được ban hành như: Nghị quyết số 105/NQ-CP hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ban hành các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và bứt phá trong trung và dài hạn.

Chuyên đề