Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phục hồi mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu như nửa đầu năm 2020, giá dầu và nhu cầu đi lại, vận tải giảm mạnh ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh xăng dầu, thì 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi từ giá dầu tăng và dịch Covid-19 được kiểm soát. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu nhờ đó được cải thiện rõ rệt.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2021 gấp nhiều lần con số thực hiện cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2021 gấp nhiều lần con số thực hiện cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong quý II/2021, giá dầu thế giới (dầu WTI) có xu hướng tăng từ 58,65 USD/thùng tại thời điểm đầu quý lên 73,47 USD/thùng vào cuối quý (tương ứng tăng 25,2%). Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát và ứng phó trong phòng dịch Covid-19 có nhiều thay đổi theo hướng khoanh vùng thay vì giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc nên hoạt động kinh doanh xăng dầu hội tụ được các yếu tố thuận lợi và đem lại hiệu quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong quý II/2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Petrolimex đạt 46.588 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.728 tỷ đồng, gấp 2,2 lần con số đạt được trong 6 tháng đầu năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất trong vòng 5 năm qua của Petrolimex.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Petrolimex ghi nhận 84.835 tỷ đồng doanh thu và 2.741 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi năm ngoái lỗ trước thuế 920 tỷ đồng.

Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần gần 1.211 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn tương ứng giảm mạnh tới 18,2% khiến lợi nhuận gộp của Công ty tăng cao gấp 2,3 lần, từ 59,5 tỷ đồng (quý II/2020) lên 136,7 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 60,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 24,6 tỷ đồng quý II/2020. Lũy kế 6 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần gần 2.958 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng trưởng đột biến gấp 14 lần cùng kỳ năm trước lên 114,6 tỷ đồng.

Nhà phân phối xăng dầu có thị phần thứ hai cả nước là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng ghi nhận sự hồi phục đáng kể về hoạt động kinh doanh. Nếu như 6 tháng đầu năm 2020, PVOil lỗ tới 306 tỷ đồng thì cùng kỳ năm 2021, Công ty lãi trước thuế 533,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 462,5 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II/2021, Công ty lãi trước thuế 327 tỷ đồng, tăng 45,7% so với quý II/2020.

Năm 2021, PVOil đặt mục tiêu doanh thu đạt 55.750 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế ở mức 320 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 166 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng, PVOil đã vượt 45% mục tiêu về lợi nhuận sau thuế. Được biết, PVOil xây dựng kế hoạch kinh doanh trên cơ sở dự báo giá dầu thô dao động ở mức 45 USD/thùng, nguồn cung xăng nhập khẩu ngày càng dồi dào khi có thêm nguồn xăng từ các nước ASEAN với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).

Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB, giá dầu cao và ổn định vào đầu năm 2021 đã kích thích các nhà sản xuất dầu lớn tăng sản lượng nhằm thu thêm giá trị từ biên lợi nhuận tốt này. Công suất bổ sung đến từ Iran, OPEC+ và các nhà sản xuất dầu lớn khác có thể đưa công suất dầu thế giới đạt 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022, sớm hơn một năm so với ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA). Kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và sản lượng gia tăng từ các nhà sản xuất dầu lớn sẽ giữ giá dầu đi ngang ở mức khoảng 70 USD/thùng cho đến cuối năm 2021. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành từ khai thác, chế biến đến phân phối xăng dầu.

Chuyên đề