Doanh nghiệp hàng không trên đà phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp ngành hàng không tiếp tục cho thấy dấu hiệu khởi sắc nhờ nhu cầu du lịch tăng mạnh. Triển vọng tươi sáng của ngành hàng không được dự báo tiếp tục kéo dài với sự phục hồi nhanh chóng của lượng khách du lịch quốc tế.
Ngành hàng không hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của du lịch nội địa trong năm 2022. Ảnh: Tường Lâm
Ngành hàng không hưởng lợi nhờ sự bùng nổ của du lịch nội địa trong năm 2022. Ảnh: Tường Lâm

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Kiên Giang đón khoảng 6.112.479 lượt khách du lịch, đạt 109,2% so với kế hoạch năm 2022, trong đó khách quốc tế là 126.154 lượt. Doanh thu ước đạt hơn 7.738,8 tỷ đồng, tăng 219,1% so với cùng kỳ 2021, đạt 99,9% kế hoạch năm. Tỉnh Khánh Hòa cũng ghi nhận diễn biến tích cực từ du lịch khi doanh thu từ lĩnh vực này sau 9 tháng đầu năm tăng 342,4% so với cùng kỳ 2021, ước đạt gần 10.801 tỷ đồng (vượt 170% kế hoạch).

Giống như Khánh Hòa, Kiên Giang, các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… cũng thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước và đem về nguồn thu lớn cho địa phương.

Các sân bay cũng đông đúc trở lại, thậm chí đôi lúc còn xảy ra tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sân Nhất. Tính riêng trong quý III/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu thuần gấp 11,3 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.186 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.985 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 883 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận 9.725 tỷ đồng doanh thu và 7.254 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Dù doanh thu của ACV chưa đạt được mức trên 11.000 tỷ đồng như các năm 2018, 2019 trước khi dịch Covid-19 xuất hiện nhưng lợi nhuận trước thuế đã về mức tương đương.

Tình hình kinh doanh của các hãng bay cũng được cải thiện đáng kể, Công ty CP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) ghi nhận doanh thu thuần quý III/2022 đạt 11.600 tỷ đồng, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ năm trước. Mức doanh thu này tăng nhẹ so với quý II/2022, trong bối cảnh ngành hàng không đang dần hồi phục trở lại và đạt khoảng 85% so với mức trước dịch Covid-19. Với doanh thu hồi phục, Vietjet Air tiếp tục có lợi nhuận trước thuế 44 tỷ đồng, nâng con số lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay lên thành 308 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với Vietnam Airlines, dù quý III/2022 vẫn lỗ, nhưng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này đã được cải thiện nhiều với doanh thu đạt 21.156 tỷ đồng, gấp gần 4,46 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 165 tỷ đồng trong khi từ quý I/2020 đến quý II/2022 đều ghi nhận lỗ (ngoại trừ quý IV/2020 có lãi). Sau 9 tháng năm 2022, doanh thu của Vietnam Airlines đã đạt khoảng 70% cùng kỳ năm 2018 và 2019, ở mức 51.107 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sân Nhất (SASCO), Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng… đều ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm tích cực.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, hàng không nội địa tăng tích cực đã dẫn dắt đà hồi phục của ngành. Trong khi đó, đà phục hồi vận tải hàng không quốc tế vẫn khá chậm do chính sách zero-Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc - nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch.

Theo Công ty CP Chứng khoán VNDirect, sản lượng khách quốc tế đã tăng 35 lần trong quý III/2022 và phục hồi bằng 49,8% trước dịch. Công ty này kỳ vọng Trung Quốc sẽ dần gỡ bỏ hạn chế du lịch kể từ quý II/2023, giúp lượng khách quốc tế có thể phục hồi trong quý IV/2023.

Chuyên đề