Dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc. Ảnh: Tiên Giang |
Thông qua Diễn đàn Cải thiện môi trường kinh doanh cho DN Thủ đô, các DN đã có nhiều kiến nghị, đề xuất chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh có cải thiện
Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau khi có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, VCCI ghi nhận nhiều thành tựu, kết quả của TP. Hà Nội trong quá trình phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào 4 điểm sáng: rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; cải cách hành chính, giảm chi phí, thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…; bảo đảm quyền sản xuất, kinh doanh bình đẳng, tiếp cận các nguồn lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như đất đai, vốn, lao động; có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy, Hà Nội có chỉ số PCI 2015 là 59 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2014; xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố. Kết quả này cũng cho thấy, cộng đồng DN Hà Nội có cảm nhận tích cực hơn về việc cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan hữu quan.
Về môi trường kinh doanh, bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ DNNVV TP. Hà Nội đánh giá, Hà Nội đã có những chuyển biến, cải cách “rất ngoạn mục” trong những vấn đề về thuế, kê khai và nộp thuế qua mạng, thủ tục hải quan và trong cả những hoạt động xúc tiến thương mại.
Vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ
Ngoài ra, nhiều DN trong Hiệp hội vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. Mặc dù nhiều hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức, nhưng chưa hiệu quả, bởi việc vay vốn vẫn cực kỳ khó khăn, thủ tục vẫn còn nhiều, lãi suất cao. “Nếu không có vốn thì làm sao DN phát triển được, làm sao cải thiện công nghệ, làm sao quản trị DN, tài chính, nhân lực, làm sao hội nhập được…” - bà Thùy nêu quan điểm.
Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, đại diện Công ty CP Hải Yến, việc tưởng chừng như đã được nói rất nhiều nhưng vẫn cứ xảy ra đó là thái độ của các cơ quan thanh, kiểm tra. “Nói cho cùng DN là những người nộp thuế, là người “nuôi” các cán bộ công chức, viên chức thông qua việc nộp thuế cho ngân sách nhà nước, đóng góp cho xã hội, nhưng một năm có vài lần thanh, kiểm tra thì các cán bộ cũng nên có thái độ tôn trọng chúng tôi hơn, đến kiểm tra mà thái độ như kiểu làm cha, làm mẹ thì như thế là hơi bất công” - bà Lan Anh bức xúc.
Ông Đoàn Duy Khương cho biết, qua điều tra, DN Hà Nội đang vướng phải 5 khó khăn: vốn, lao động, thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh không bình đẳng và hỗ trợ DN. Từ những khó khăn đó, ông Đoàn Duy Khương đề xuất một số giải pháp giúp TP. Hà Nội cải thiện môi trường kinh doanh.
Cụ thể, TP. Hà Nội phải định vị mình đang ở đâu và 20 - 30 năm nữa thì Thủ đô sẽ ở vị trí nào trên bản đồ quốc gia và khu vực. Như vậy, Hà Nội sẽ phải dựa vào những nguồn lực như thị trường vốn, khoa học công nghệ mới để xác lập vị trí trong vùng thủ đô và khu vực, trở thành trung tâm liên kết quốc tế có khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, Hà Nội cần xác định ngành nghề, phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết, phát triển sản phẩm mới theo hướng bền vững; cần có những chính sách hỗ trợ tín dụng tốt để thúc đẩy khu vực DNNVV phát triển.