Ảnh Internet |
Năm 2016, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.
Doanh nghiệp “dễ thở”
Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Vũ Linh Nguyễn Tiến Minh (Long Biên, Hà Nội) cho biết, trong gần 20 năm hoạt động, đơn vị gặp nhiều vướng mắc bởi nhiều loại thủ tục rườm rà, nhất là thủ tục đăng kiểm xuất xưởng xe ô tô. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, nhóm thủ tục hành chính liên quan đến kiểm định chất lượng xe bốn bánh nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, trực tiếp liên quan đến hoạt động của Công ty đã được thực hiện trực tuyến điện tử. Sự thay đổi này giúp thời gian cấp chứng nhận đăng kiểm sản phẩm của DN được rút ngắn, không mất thời gian chờ đợi làm thủ tục tại cơ quan đăng kiểm, hải quan. Nhờ vậy, nhiều đơn hàng giao cho khách hàng đúng hợp đồng, góp phần quay vòng vốn nhanh, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN…
Giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Trường Trung cấp nghề Á Châu Lưu Đức Hải chia sẻ, việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi tối đa cho Trung tâm tăng cường hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe. Các thủ tục về đào tạo, tuyển sinh nhanh và thuận tiện hơn rất nhiều, giúp học viên không phải chờ đợi trong quá trình học, thi sát hạch. Bộ GTVT đã kịp thời sửa đổi, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp, bổ sung thay thế nhiều quy định nhiêu khê trong Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch lái xe sát với thực tế. Nhờ đó, Trung tâm đã thu hút thêm đông đảo học viên nhập học.
Còn ông Bùi Chiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng thì cho hay: “Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cảng biển hiện nay được công khai, minh bạch, bất cứ DN nào cũng có thể tra cứu, lựa chọn. Điều này đã tạo điều kiện cho Cảng đổi mới tác phong điều hành, quản trị DN, nâng cao năng lực xếp dỡ, đẩy nhanh quy trình thông quan hàng hóa”. Nhiều khách hàng của Cảng thực hiện quy trình làm các thủ tục, giao, nhận hàng chỉ qua một cửa, không mất nhiều thời gian như trước đây. Hiện nay, năng suất xếp dỡ của Cảng Hải Phòng tăng tới 20% so với trước năm 2014. Nhiều tàu lớn trước đây phải mất ít nhất hai ngày nằm tại cầu cảng để bốc/dỡ hàng, nay chỉ còn khoảng một ngày…
Về vấn đề này, ông Phạm Duy Ninh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ GTVT nhận định, từ đầu năm 2015 đến nay, dịch vụ công hải quan một cửa được triển khai đã mang lại hiệu quả to lớn cho các DN cũng như trong quá trình phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành. Số lượng hồ sơ phê duyệt trên hệ thống trực tuyến trong công tác hàng hải cũng chiếm tới trên 70%. Ngoài ra, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đường thủy nội địa cũng đang được triển khai rất quyết liệt. Hiện nay, trong số 18 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang tham gia 1 cửa quốc gia thì có 5 thủ tục của hàng hải, 5 thủ tục của đăng kiểm, 4 thủ tục của đường thủy nội địa và 4 của đường bộ.
Tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho doanh nghệp
Theo Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ GTVT, từ năm 2011 - 2015, Bộ GTVT đã thay đổi tích cực công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng đến sự hài lòng của người dân và DN, không chỉ về số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng văn bản, được dư luận đón nhận và đánh giá đột phá về đổi mới thể chế, chính sách.
Trên thực tế, nhiều văn bản chuyên ngành GTVT chưa có sức sống lâu dài trong thực tế, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, chưa đáp ứng được kỳ vọng của dư luận. Đơn cử như các văn bản, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Nghị định 86/2014/NĐ-CP… chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn xã hội, thiếu ý kiến đóng góp của các DN, nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Khắc phục những bất cập này, theo bà Trịnh Hằng Nga, năm 2016, Bộ sẽ tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính để kịp thời ban hành, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xây dựng Nghị định quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông như: Đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, bảo đảm hàng hải…
Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng các văn bản triển khai Bộ luật Hàng hải, thông tư về cấp phép phương tiện vận tải nội địa, xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định quy định về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung...