Doanh nghiệp dược kỳ vọng tăng trưởng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành dược trải qua năm 2021 với nhiều khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, người dân hạn chế đến các cơ sở điều trị bệnh làm cho thị trường dược phẩm trì trệ nặng nề. Sau khi dịch bệnh qua đi, ngành dược đã có nhiều tín hiệu khả quan, dự báo sẽ phục hồi tích cực.
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dược tăng trưởng mạnh trong quý I/2022. Ảnh: Lê Tiên
Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp dược tăng trưởng mạnh trong quý I/2022. Ảnh: Lê Tiên

Tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp dược có kết quả kinh doanh năm 2021 sụt giảm so với năm 2020. Đơn cử như Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco giảm 11% lợi nhuận trước thuế (đạt 199,2 tỷ đồng); Công ty CP Dược phẩm Imexpharm giảm 6,5% (đạt 238,8 tỷ đồng); Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 giảm 18,6% (đạt 116,4 tỷ đồng); Công ty CP Dược phẩm Hà Tây giảm 25% (đạt 89,5 tỷ đồng). Chỉ có doanh nghiệp đầu ngành công nghiệp dược là Công ty CP Dược Hậu Giang có lợi nhuận tăng trưởng 5% (864 tỷ đồng).

Theo Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), nếu như ngành dược trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp, thì năm 2022 được kỳ vọng tích cực hơn. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết sẽ là động lực tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối, tiếp cận thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, Japan-GMP.

Sự tăng trưởng của ngành dược có thể thấy ngay trong 3 tháng đầu năm 2022 - giai đoạn bùng phát biến chủng Omicron, thuốc điều trị Covid-19 được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng đột biến, mặc dù nhu cầu thuốc trong bệnh viện phục hồi chậm.

Khảo sát kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp dược đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Domesco ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 32% (đạt 39,2 tỷ đồng); Imexpharm tăng 19,7% lên 66 tỷ đồng; Dược Hậu Giang tăng 24,4% lên 285,8 tỷ đồng; Công ty CP Trapharco tăng 62% lên 112,4 tỷ đồng…

Theo kết quả kinh doanh của các công ty dược niêm yết và kết quả đấu thầu thuốc kênh bệnh viện của Cục Quản lý dược Việt Nam (DAV), Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính tổng doanh thu dược phẩm của cả nước trong quý I/2022 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% và kênh bệnh viện giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong giai đoạn trước dịch Covid-19, doanh thu dược phẩm của cả nước tăng trung bình 13%/năm, trong đó doanh thu từ kênh nhà thuốc chỉ tăng khoảng 6%/năm. Trong đợt bùng phát biến thể Omicron vừa qua, tỷ lệ nhập viện thấp và các thuốc điều trị Covid-19 như Favipiravir, Molnupiravir được thương mại hóa giúp doanh thu kênh nhà thuốc tăng đột biến, duy trì doanh thu ổn định của ngành dược. Mặt khác, lượt khám ở bệnh viện đang hồi phục nhanh sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 4/2022.

Công ty CP Chứng khoán SSI ước tính kết quả kinh doanh của các công ty dược phẩm sẽ được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng doanh thu trong nửa đầu năm 2022 tại kênh nhà thuốc. Nửa cuối năm 2022 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh của số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện và hoạt động đấu thầu thuốc diễn ra bình thường trở lại.

Chuyên đề