Doanh nghiệp dược hái “quả ngọt” từ chiến lược tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành dược được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ do quy mô dân số lớn với tốc độ già hoá dân số nhanh, nhận thức của người tiêu dùng đối với chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao và thu nhập của người dân từng bước được cải thiện. Theo nhiều dự báo, đến năm 2026, ngành dược phẩm sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số, dự kiến đạt 16,1 tỷ USD. Những doanh nghiệp (DN) tiên phong “vun trồng” dược liệu xanh sẽ ngày càng có lợi thế…
Traphaco hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong mảng Đông dược nói riêng và dược phẩm nói chung
Traphaco hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong mảng Đông dược nói riêng và dược phẩm nói chung

“Vun trồng” dược phẩm xanh

Kinh doanh bền vững đã được một số DN lớn tại Việt Nam tiếp cận từ rất sớm và dần gắn kết với chiến lược phát triển dài hạn, tạo nên những dấu ấn riêng biệt, truyền kinh nghiệm và cảm hứng cho cộng đồng DN.

Sáng kiến triển khai vùng trồng dược liệu sạch (GreenPlan) của Công ty CP Traphaco đã làm nên một cuộc cách mạng Đông dược dựa trên lợi thế về đa dạng sinh học của Việt Nam và nền y học cổ truyền lâu đời, phong phú. Sáng kiến này vừa giúp DN tự chủ được nguồn dược liệu đầu vào phục vụ sản xuất (kiểm soát sản lượng và chất lượng thuốc), vừa tạo sinh kế cho người dân nhiều địa phương (Lào Cai, Nam Định, Hòa Bình, Phú Thọ, Phú Yên…), xóa đói giảm nghèo bền vững. Riêng vùng trồng Atiso của Traphaco tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà (Lào Cai) đã thu hút hơn 1.300 lao động, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, hiệu quả kinh tế của việc trồng Atiso cho Traphaco cao gấp 5 lần trồng lúa và gấp 10 lần trồng ngô.

Sau 50 năm kiên trì với chiến lược phát triển bền vững “Con đường sức khoẻ xanh”, Traphaco đã vươn lên trở thành DN hàng đầu trong mảng Đông dược nói riêng và dược phẩm nói chung với doanh thu hàng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng, được trao tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng lớn về phát triển bền vững mang tầm quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, chính chuỗi giá trị xanh cùng sức mạnh từ chuyển đổi số đã giúp Traphaco vững vàng vượt qua khó khăn, ít bị gián đoạn nguồn cung dược liệu, doanh thu các sản phẩm từ dược liệu của Traphaco ghi nhận tăng trưởng tốt.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) mở đường sang lĩnh vực sản xuất thuốc tân dược, trở thành DN tiên phong nghiên cứu dung dịch tiêm truyền kháng sinh và axit amin vào năm 1997, áp dụng công nghệ đông khô để sản xuất các thuốc đặc trị vào năm 2003 và sản xuất thuốc điều trị ung thư với dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP vào năm 2016. Hiện nay, Bidiphar nằm trong top DN nghìn tỷ với doanh thu hàng năm đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Bidiphar chia sẻ, với định hướng phát triển bền vững, bên cạnh việc thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường trong sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Bidiphar luôn chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý chất thải công nghiệp, nguồn nước để khống chế và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.

Ở khâu phân phối, bán lẻ, những năm gần đây, hàng loạt chuỗi bán lẻ dược phẩm theo mô hình mới (kiểm soát chặt thuốc kê đơn và triển khai đơn thuốc điện tử) được mở rộng phát triển mạng lưới như: Long Châu, Pharmacity, An Khang… Ông Bùi Hồng Minh - Giám đốc Đối ngoại của Pharmacity cho biết, việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong toàn hệ thống phân phối, bán lẻ dược phẩm đã và đang mang lại những hiệu quả rõ rệt cho Pharmacity, không chỉ xây dựng hình ảnh DN xanh, sạch, uy tín, mà còn xây dựng niềm tin với người tiêu dùng cũng như đóng góp vào sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

Chuyển hướng nhanh theo xu thế xanh

Nếu như trước đây, tăng trưởng xanh được coi là một xu hướng tự nguyện, thì nay việc phát triển bền vững trong kinh doanh, sản xuất đã trở thành điều kiện bắt buộc đối với tất cả DN muốn tham gia thị trường. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các sản phẩm tái chế, tiêu dùng bền vững, sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường, không gây nguy hại cho sức khoẻ con người và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Ông Bùi Hồng Minh nhận định, xu hướng này đòi hỏi các DN phải thích ứng và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh. “Trong cuộc đua cam kết về Net Zero, những DN tiên phong sẽ được hưởng lợi thông qua việc dẫn dắt người tiêu dùng thay đổi nhận thức, hành vi”, ông Minh nhận định.

Nắm bắt thời cơ mới, một số DN sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam đang bắt đầu cuộc đua xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn công nghệ cao EU-GMP.

Bên cạnh mảng Đông dược, Traphaco đặt mục tiêu phát triển mảng thuốc tân dược với những lợi thế sẵn có, thực hiện nghiên cứu tương đương sinh học (BE), tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

Bà Đào Thúy Hà - Phó Tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing của Traphaco cho biết, Traphaco đang và sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhằm mở rộng thị phần kênh ETC (đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và vận hành DN, số hóa các quy trình làm việc, tối ưu nguồn lực, giảm thiểu sử dụng tài nguyên không tái tạo cho văn phòng, nhà máy. Có nhiều sản phẩm thuốc dược liệu được xếp vào nhóm 1 là lợi thế lớn của Traphaco, phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển thuốc nội có chất lượng cao, gia tăng sự tự chủ nguồn dược liệu, dược liệu sạch đạt chuẩn GACP…

Tham gia cuộc đua này, từ nay đến năm 2030, Bidiphar đang đầu tư và đặt mục tiêu nâng cấp, xây dựng mới nhiều nhà máy công nghệ cao đạt tiêu chuẩn EU-GMP tại Khu kinh tế Nhơn Hội để sản xuất thuốc điều trị ung thư, thuốc vô trùng (thuốc tiêm, thuốc đông khô), thuốc OSD Non-betalactam, thuốc nhỏ mắt, dịch thận, thuốc sinh học, CHC, tiêm bột… cạnh tranh với thuốc nhập khẩu và phát triển sản phẩm công nghệ sinh học. Không dừng lại ở 8 dược liệu hữu cơ được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái), Bidiphar đang tiếp tục đề nghị công nhận nhiều dược liệu đạt chuẩn hữu cơ khác…

Về việc theo đuổi tăng trưởng xanh trong ngành dược, bà Hương chia sẻ, chi phí tài chính là rất lớn, thời gian đầu tư xây dựng kéo dài tới 4 - 5 năm. Bên cạnh việc tạo thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho DN, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cấp năng lực quản lý đối với thuốc hóa dược, vắc xin theo tiêu chuẩn quốc tế như WHO, EU để theo kịp nhu cầu phát triển…

Đại diện Traphaco mong muốn Nhà nước tiếp tục tăng cường các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ DN trong nước về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu tương đương sinh học ở mức cao, từ đó giúp người dân có cơ hội sử dụng thuốc nội có hiệu quả điều trị và chất lượng tương đương biệt dược gốc với giá thành phù hợp.

“Một số DN hiện chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, chưa sẵn sàng hoặc chưa có điều kiện thay đổi. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ban ngành cần tạo các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng trưởng tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Một trong số chính sách cần triển khai là tín dụng xanh, tài chính xanh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức của DN, người tiêu dùng trong việc sản xuất, tiêu dùng bền vững, từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất xanh, phân phối xanh và tiêu dùng xanh”, ông Minh đề nghị.

Chuyên đề