Doanh nghiệp dược chi lớn, xây lợi thế trong đấu thầu thuốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc cạnh tranh giành thị phần trong ngành dược đang trở nên nóng hơn bao giờ hết khi các doanh nghiệp đua nhau đầu tư xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU-GMP. Với những khoản đầu tư “khủng”, các công ty này đang hướng tới mục tiêu nâng sức cạnh tranh trong đấu thầu thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2 tại các bệnh viện và cơ sở y tế.
Sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP đang là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dược trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên
Sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP đang là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dược trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Dược phẩm Imexpharm vừa công bố Nghị quyết để lấy ý kiến cổ đông, trong đó, HĐQT Công ty trình phương án xây dựng Dự án Tổ hợp Nhà máy dược phẩm Cát Khánh với tiêu chuẩn EU-GMP tại Cụm công nghiệp Quãng Khánh, thuộc xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh và xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Công suất thiết kế dự kiến 1,4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm.

Imexpharm cho biết, tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 1.495 tỷ đồng, trong đó, 300 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 1.195 tỷ đồng vốn vay. Công ty dự kiến hoàn thành thủ tục pháp lý trong quý I/2025, khởi công xây dựng quý III/2025 và đưa vào vận hành từ tháng 12/2028 đến quý I/2030. Hiện Imexpharm đang sở hữu 4 cụm nhà máy (IMP2, IMP3, IMP4 theo tiêu chuẩn EU-GMP và IMP1), đặt tại Đồng Tháp, TP.HCM và Bình Dương.

Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) cho biết, trong giai đoạn 2024 - 2029 tiếp tục xây dựng 2 nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP/WHO-GMP. Trong đó, Nhà máy Sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU có tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng, với công suất thiết kế là 120 triệu sản phẩm/năm, đã hoàn thành tòa nhà chính. Còn Nhà máy Sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam có công suất thiết kế là 1,3 tỷ sản phẩm/năm (vốn đầu tư 850 tỷ đồng), dự kiến khởi công vào năm 2025 tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Hiện Bidiphar đang quản lý vận hành 2 nhà máy sản xuất thuốc với 15 dây chuyền sản xuất.

Vào cuối tháng 9/2024, HĐQT Công ty CP Dược Danapha thông qua hợp đồng vay vốn 255 tỷ đồng từ 2 cổ đông cá nhân để thực hiện Dự án Nhà máy Sản xuất dược phẩm và trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao nằm trong Khu công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Dự án có tổng mức đầu tư 1.495,734 tỷ đồng. Nhà xưởng của Danapha sẽ bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng EU-GMP, một trong những tiêu chuẩn cao nhất trong ngành dược phẩm toàn cầu.

Theo tìm hiểu, một số doanh nghiệp dược khác đang chi lớn hoặc lên kế hoạch đầu tư nhà máy tiêu chuẩn EU-GMP. Đơn cử, Công ty CP Dược Vật tư y tế Hải Dương đã khởi công dây chuyền tân dược sản xuất thuốc tiêm bột và viên Betalactam nhóm kháng sinh Cephalosprorin đạt tiêu chuẩn EU-GMP thuộc Nhà máy HDPHARMA EU giai đoạn 2 vào tháng 8/2024, với tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng. Hay Công ty CP Dược Hậu Giang đang thực hiện đầu tư mở rộng thêm nhà máy đạt chuẩn Japan-GMP với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, giúp tăng công suất của doanh nghiệp thêm 25%.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng giám đốc Công ty CP Traphaco Trần Trúc Mã cho biết, Công ty sẽ đầu tư nhà máy EU-GMP, tạo tiền đề để mở rộng, phát triển thêm về tân dược.

Sở hữu các nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP đang là lợi thế cạnh tranh của các công ty ngành dược trong việc tham gia đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và cơ sở y tế, nhất là phân khúc thuốc chất lượng cao Nhóm 1 và Nhóm 2.

Theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023, những sản phẩm nằm trong danh mục thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, chất lượng và giá cả, thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước. Thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá cả, khả năng cung cấp thì chủ đầu tư chỉ yêu cầu chào thuốc xuất xứ trong nước.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-BYT và Thông tư 07/2024/TT-BYT cung cấp danh sách 93 thuốc có ít nhất 3 công ty sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá và khả năng cung cấp. Thuốc nhập khẩu sẽ không được tham gia chào thầu bệnh viện công với các loại thuốc này.

Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường vào năm 2030. Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, đây là thời cơ “vàng” cho các nhà sản xuất thuốc nội địa ở Nhóm 2 và Nhóm 3, thay vì tập trung vào Nhóm 4 như hiện nay.

Chuyên đề