Doanh nghiệp du lịch khó tiếp cận các gói hỗ trợ Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 rất tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách trên thực tiễn lại gặp nhiều khó khăn, rất ít người lao động và DN tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Ngành du lịch thiệt hại nặng nề do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Ngành du lịch thiệt hại nặng nề do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Chính sách tốt nhưng điều kiện ngặt nghèo

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Covid-19 xuất hiện khiến ngành du lịch thiệt hại nặng nề. Năm nay, ước tính khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, tức là giảm 80% so với năm ngoái. Còn khách nội địa chỉ đạt tối đa 50 triệu lượt, giảm khoảng 1 nửa. Khách đi du lịch nước ngoài thì giảm đến 90%. Doanh thu mất hơn 33 nghìn tỷ đồng. Các khu nghỉ dưỡng chỉ có khách vào hai ngày cuối tuần; ngay ở Hà Nội, TP.HCM, công suất hoạt động của các khách sạn 4 - 5 sao chỉ đạt 10 - 15%.

Nhằm hỗ trợ DN, người lao động bị mất việc tạm thời do Covid-19, Chính phủ có gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỷ đồng giao Ngân hàng Chính sách xã hội cho DN vay để trả lương người lao động. Ông Bình cho biết, trên thực tế, ngành du lịch có 40.000 DN nhưng chỉ có 1 đơn vị tiếp cận được gói tín dụng này.

Ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Vĩnh Phúc cho hay, cả tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 2 DN vay được gói này. Lý do là chính sách đưa ra các điều kiện quá chặt chẽ, ngặt nghèo.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, việc yêu cầu DN phải chứng minh không có doanh thu, không có khả năng tài chính, giảm ít nhất 50% lao động đóng bảo hiểm xã hội… mới được hưởng những gói hỗ trợ là làm khó DN. Trong khi đó, DN đang cố gắng bằng mọi cách tìm hợp đồng, tạo việc làm, có doanh thu để trả lương, giữ chân người lao động.

Theo một khảo sát của VCCI với DN bị ảnh hưởng của đại dịch, có đến hơn 60% DN được hỏi kiến nghị giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Một nửa số DN mong muốn có chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành bị thiệt hại nặng nề do Covid-19.

Ông Bình nói thêm, Chính phủ cũng có gói hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, tối đa không quá 3 tháng cho người lao động bị mất việc. Do đại dịch, đến nay có đến 90% lao động ngành du lịch bị thất nghiệp, 60% DN gần như đóng cửa hoàn toàn. Thế nhưng số người được hỗ trợ rất hiếm hoi, như tại TP.HCM có 10 vạn lao động ngành du lịch nhưng chỉ có khoảng 20 hướng dẫn viên tiếp cận được chính sách này.

Khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi

Ngoài các chính sách hỗ trợ nói trên, ông Vũ Thế Bình cho biết, đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết quy định, giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất. Thế nhưng, đến nay ngành điện chưa làm được điều này.

Theo ông Bình, vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, giá điện đối với ngành du lịch đã được tính bằng với giá điện sản xuất trong 3 tháng (4 - 6/2020). Thế nhưng hết tháng 6 thì giá điện quay trở lại như cũ (điện kinh doanh). Đến nay, ngành du lịch chưa hết khó khăn, khách sạn không có khách nhưng vẫn phải duy trì bảo dưỡng, sấy khô, giữ sạch các thiết bị trong phòng. Giá điện để bảo trì sự tồn tại của khách sạn vẫn phải tính theo giá dịch vụ với mức cao nhất trong các loại hình dịch vụ sử dụng điện.

“Thực tế, giá điện áp dụng cho du lịch mà ngang bằng giá điện sản xuất sẽ giảm được 33% chi phí tiền điện và có thể góp phần cứu DN du lịch. Vấn đề mà tôi muốn nói là chính sách Chính phủ đã ban hành thì cần được thực thi nghiêm”, ông Bình nhấn mạnh.

Về kết quả khảo sát DN bị ảnh hưởng của đại dịch, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các DN đề xuất Chính phủ kéo dài gói hỗ trợ ít nhất sang năm 2021. Cụ thể, có đến hơn 60% DN được hỏi kiến nghị giảm lãi suất cho vay, giảm tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Một nửa số DN mong muốn có chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành bị thiệt hại nặng nề do Covid-19. Riêng đối với các chính sách cho người lao động, Chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ phòng dịch, trả lương, việc làm… Ông Huân nhấn mạnh, DN mong muốn tăng quy mô của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, lao động nhưng phải thực hiện hiệu quả, thiết thực, minh bạch với sự giám sát của cộng đồng DN, các hiệp hội DN…

Chuyên đề