Hàng loạt tour du lịch đã bị hủy sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Lê Tiên |
Báo cáo mới đây của Tổng cục Du lịch cho biết, khoảng 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước dừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm. Số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, còn số xin cấp phép mới giảm 48%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu dịch vụ lữ hành 7 tháng đầu năm ước tính đạt 11,1 ngàn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,1%). Còn doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 280,9 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, trong 2 tháng đầu quý II/2020, để phòng, chống dịch cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí càng khó khăn hơn.
Đơn cử như Công viên nước Đầm Sen, doanh nghiệp này đã ngừng hoạt động kinh doanh phục vụ khách đến vui chơi để phòng ngừa dịch bệnh kể từ giữa tháng 3/2020. Với kết quả lỗ 4,3 tỷ đồng trong quý II/2020, lũy kế 6 tháng đầu năm Công viên nước Đầm Sen lãi vỏn vẹn chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 62 tỷ đồng.
Là một doanh nghiệp có lợi nhuận hàng năm ổn định như Công viên nước Đầm Sen, Công ty CP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh, đơn vị quản lý và vận hành cáp treo từ chân núi lên Chùa Bà Đen, báo lỗ 7 tỷ đồng trong quý II/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 36,6 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ 2019; lãi ròng đạt 6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 71,2 tỷ đồng.
Trong bối cảnh các tour du lịch quốc tế bị đình trệ, một trong những doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam là Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mới chỉ nửa đầu năm, Vietravel đã lỗ gấp 3 lần so với con số dự kiến cho cả năm 2020. Doanh thu 6 tháng đầu năm giảm mạnh từ mức 3.576 tỷ đồng (năm 2019) xuống còn 994 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vietravel lỗ tới 79,6 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực lưu trú, khách sạn cũng trong tình trạng thua lỗ nặng. Ví dụ như Công ty CP Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương, chủ khách sạn Sheraton Grand Danang Resort, một trong những khách sạn có quy mô lớn nhất Đà Nẵng ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 55 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Do phải chịu nhiều loại chi phí, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này lỗ tới 149 tỷ đồng.
Còn Công ty CP Khách sạn Đông Á, chủ sở hữu 3 khách sạn tại Thái Nguyên, đã phải chuyển nhượng, thanh lý tài sản để duy trì lợi nhuận. Doanh thu 6 tháng Công ty đạt 6 tỷ đồng, bằng 8,2% so với cùng kỳ 2019. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, Đông Á đã lỗ 6,8 tỷ đồng. Nhờ bán tài sản, Đông Á lãi ròng 3,7 tỷ đồng.
Kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch, dịch vụ nội địa đã có những tín hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp liên tục tung các gói khuyến mãi kích cầu. Tuy vậy, trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát như hiện nay, ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ “đóng băng” trở lại.