Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Sau khung giá mới cho điện tái tạo sẽ là Quy hoạch điện VIII
Ngày 7/1/2023, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Việc ban hành khung giá này được coi là bước tiến với kỳ vọng tạo cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục ban hành khung giá cho các dự án phát triển mới. Từ đó tạo cú huých đẩy nhanh tiến độ xây lắp cho các dự án điện mặt trời, điện gió vốn bị đình trệ thời gian qua.
Báo cáo ngành điện đầu năm 2023 của bộ phận phân tích, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cập nhật từ năm 2010 đến năm 2021cho biết, mức tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trưởng bình quân 9,1%/năm, gấp 1,6 lần mức tăng trưởng GDP bình quân trong cùng giai đoạn. Theo đó, Việt Nam là nền kinh tế thâm dụng điện năng. Dự báo mức độ tiêu thụ điện năng của Việt Nam tiếp tục tăng mạnh để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 7% cho đến năm 2026 và trên 5,5% trong các năm sau đó.
Trong năm 2022, theo số liệu ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so với năm 2021, sản lượng điện thương phẩm đạt 242,3 tỷ kWh, tăng 7,53%. Sản lượng điện tăng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng trưởng theo sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy vậy, trong khi nhu cầu hồi phục mạnh và dự báo duy trì tăng trưởng cao trong thời gian tới, công suất phát điện lại tăng khá chậm.
Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng công suất phát điện bị chậm lại thời gian qua được đánh giá đến từ khung pháp lý chưa hoàn thiện. Chẳng hạn Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành khiến các nhà đầu tư hoãn/giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại các chính sách trước đó có thể bị thay đổi khi Quy hoạch chính thức được ban hành. Việc thiếu chính sách giá mới cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, dự án mới cũng ảnh hưởng đáng kể đến kế hoạch của nhà đầu tư.
Do đó, chính sách giá cho dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được ban hành, việc tiếp tục có các chính sách mới cho ngành điện được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn điện, giúp doanh nghiệp được hưởng lợi, trong đó phải kể đến nhóm doanh nghiệp xây lắp điện.
Một số dự án điện than dự kiến tiếp tục được phát triển trong Quy hoạch điện VIII Nguồn: Dự thảo Quy hoạch điện VIII và Báo cáo ngành điện tháng 12/2022 - VNDIRECT RESEARCH |
Kỳ vọng từ loạt dự án lớn sẽ được triển khai
Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII được công bố, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nguồn vốn đầu tư dự kiến cho các công trình lưới và nguồn điện trong giai đoạn từ năm 2021 - 2045 lần lượt khoảng 83 tỷ USD và 9,35 tỷ USD. Riêng trong 10 năm (2021 - 2030), tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống lưới điện cần tới 335.000 tỷ đồng.
Cũng theo Dự thảo Quy hoạch, mảng điện khí LNG dự kiến sẽ được đầu tư thêm 23.900 MW đến năm 2030 thông qua 16 dự án. Trong đó, có 11 dự án với tổng công suất 17.900 MW đã được phê duyệt và bổ sung trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, gồm: Nhơn Trạch 3, 4 (1.500 MW), Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200 MW), Bạc Liêu (3.200 MW), BOT Sơn Mỹ I (2.250 MW), BOT Sơn Mỹ II (2.250 MW), Long An I (1.500 MW), Cà Ná (1.500 MW), Quảng Ninh I (1.500 MW), Long Sơn (1.500 MW), Hải Lăng (1.500 MW). Trong số này, 9 dự án với tổng công suất 14.900 MW đã có chủ đầu tư.
Các dự án nhiệt điện khí dự báo phát triển mạnh thời gian tới Nguồn: Dự thảo Quy hoạch điện VIII và Báo cáo triển vọng ngành điện nửa đầu 2023 (VCBS) |
Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng xác định ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện khi sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước. Từ nay đến năm 2030, sẽ tập trung phát triển 2 chuỗi dự án khí - điện Lô B và Cá Voi Xanh, tổng công suất mới 6.900 MW. Trong đó cụm nhà máy điện sử dụng khí Lô B gồm Ô môn II (1.050 MW), Ô Môn III (1.050 MW) và Ô Môn IV (1.050 MW) dự kiến sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng với dự án Lô B - Ô Môn, với những tiến triển trong việc tháo gỡ vướng mắc cho thời gian qua, chuỗi dự án này dự kiến được khởi công trong năm 2023. Hiện quá trình triển khai các nhà máy điện trong chuỗi cũng có tín hiệu khả quan như Ô Môn III được phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 8/2022, Ô Môn IV chuẩn bị đấu thầu chọn Tổng thầu EPC, Ô Môn II đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi.
Với các dự án năng lượng tái tạo, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển với tốc độ tăng trưởng công suất 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 - 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 - 2050 nhằm tận dụng tiềm năng dồi dào của Việt Nam.