Luỹ kế nửa đầu năm, SASCO ghi nhận lãi ròng 52 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không luôn được đánh giá có triển vọng kinh doanh tích cực nhờ tốc độ tăng trưởng cao của ngành. Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh tốt cũng giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành luôn chia cổ tức tiền mặt ở mức khá cao.
Đơn cử, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) trong vài năm gần đây luôn duy trì mức cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu hay Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS) có mức cổ tức dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO) nhiều năm trả trên 8.000 đồng/cổ phiếu...
Trước ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt trong quý II/2020, kết quả kinh doanh của nhiều công ty sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ.
SASCO - doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ và dịch vụ tại Sân bay Tân Sơn Nhất - ghi nhận doanh thu và lãi ròng quý II/2020 lần lượt đạt 60 tỷ đồng và 36 tỷ đồng, giảm tương ứng 92% và 83% so với cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế nửa đầu năm, Công ty ghi nhận lãi ròng 52 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Sân bay Nội Bài, nhiều doanh nghiệp khai thác dịch vụ như NCTS báo lãi ròng quý II/2020 giảm 20,5%, còn 45,3 tỷ đồng. Lãi ròng sau 6 tháng đầu năm đạt 99,4 tỷ đồng, giảm 13,6% so với nửa đầu năm 2019.
Đối với Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài, doanh thu thuần quý II/2020 chỉ bằng 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt chưa đến 32 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của Công ty âm 9,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp này báo lỗ 19 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 145 tỷ đồng, bằng 44% cùng kỳ năm 2019 và báo lỗ 17,7 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái lãi ròng 24,3 tỷ đồng.
MASCO cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020 với kết quả lỗ 5,8 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm lên 7 tỷ đồng.
Sau quý II/2020 kinh doanh thiếu tích cực, nhóm doanh nghiệp trong ngành hàng không đón nhận triển vọng tích cực khi các đường bay nội địa bắt đầu được phục hồi hoàn toàn từ tháng 6. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có kiến nghị sớm nhất đầu tháng 8/2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và các nước.
Tuy vậy, sau 99 ngày không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, từ ngày 23/7 đến nay, cả nước đã ghi nhận 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó có cả nhân viên y tế, song chưa tìm được nguồn lây.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, TP. Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 từ 0h ngày 28/7. Ngay trong đêm 27/7, Bộ GTVT phát đi văn bản “hỏa tốc” yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động các loại hình vận tải chở khách đi/đến TP. Đà Nẵng trong 15 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 28/7.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 27/7, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7, cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. Dịch có khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Ngành hàng không lại đứng trước một thử thách mới từ dịch Covid-19.