Doanh nghiệp dệt may chưa thoát khó

(BĐT) - Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua, hàng loạt đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp trong ngành dệt may điêu đứng. Dù tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, nhưng nhu cầu thị trường sụt giảm sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, thậm chí báo lỗ trong quý I/2020. Ảnh: Huấn Anh
Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, thậm chí báo lỗ trong quý I/2020. Ảnh: Huấn Anh

Lực cầu giảm, lợi nhuận “bốc hơi”

Ngành dệt may toàn cầu đã trải qua một năm 2019 đầy khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi vết thương trước chưa lành, thì khó khăn mang tên Covid-19 xuất hiện. Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên ngành dệt may thậm chí còn lớn hơn ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, khi chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu bị gián đoạn và nhu cầu mặt hàng thời trang giảm mạnh. Điều đó phản ánh qua kim ngạch nhập khẩu của thế giới trong quý I/2020 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước, lớn hơn gấp đôi so với mức giảm 4,9% của quý I/2019 so với cùng kỳ năm 2018.

Khó khăn đã thể hiện rõ nét qua kết quả kinh doanh quý I/2020 của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Phần lớn doanh nghiệp dệt may trong nước đều gặp khó, thậm chí còn có doanh nghiệp báo lỗ quý đầu tiên trong lịch sử hoạt động như Tổng công ty CP May Việt Tiến. Theo đó, Công ty ghi nhận 1.475 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế âm 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi 87,6 tỷ đồng.

Đối với Tổng công ty May Nhà Bè, doanh thu trong quý I/2020 của doanh nghiệp này đạt gần 1.063 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên Công ty chỉ thu được hơn 174 tỷ đồng lãi gộp, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, May Nhà Bè lỗ thuần hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 lãi gần 8,7 tỷ đồng.

Còn với Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, sau quý I/2020 với kết quả lợi nhuận ròng sụt giảm 21% (đạt 34 tỷ đồng) thì tình hình kinh doanh tháng 4/2020 cũng thiếu tích cực. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu tháng 4 đạt khoảng 409 tỷ đồng, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi sau thuế đạt khoảng 7,6 tỷ đồng, giảm 59%. Lũy kế 4 tháng, Công ty ước doanh thu đạt khoảng 993 tỷ đồng, giảm 18% và lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp khác như Tập đoàn Dệt may Việt Nam báo lãi ròng quý I/2020 đạt 156 tỷ đồng (giảm 20%), Công ty CP May Sông Hồng báo lãi ròng 61,7 tỷ đồng (giảm 30%)… 

Khó khăn dự báo kéo dài

Từ ngày 13/3 đến 25/3/2020, Liên đoàn Các nhà sản xuất dệt may quốc tế (ITMF) đã thực hiện cuộc khảo sát đầu tiên về thiệt hại bởi bệnh dịch đối với chuỗi giá trị dệt may toàn cầu của các thành viên. Tổng cộng có 34 doanh nghiệp trên toàn thế giới, cùng với 2 hiệp hội dệt may quốc gia và hàng trăm người tham gia khảo sát. Sau đó, một cuộc khảo sát khác diễn ra từ 28/3 đến 6/4/2020, với sự tham gia của 700 công ty trên khắp thế giới. Kết quả của các cuộc khảo sát cho thấy, Covid-19 để lại tác động rất lớn đối với ngành dệt may toàn cầu, thậm chí trong cuộc khảo sát thứ hai, các công ty ước tính doanh thu trong năm 2020 sẽ giảm trung bình khoảng 28%.

Số liệu từ báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, từ nửa cuối tháng 3/2020, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã yêu cầu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trì hoãn đơn hàng, hoặc thậm chí hủy các hợp đồng đã ký. Số lượng đơn đặt hàng trong tháng 5 của ngành dự báo sẽ giảm khoảng 70%; đơn đặt hàng mới từ tháng 6 trở đi thì chưa được đàm phán và sự phục hồi về số lượng đơn đặt hàng vào cuối năm 2020 dự kiến sẽ rất chậm.

Căn cứ vào số liệu của VITAS, Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo kết quả kinh doanh quý II/2020 của các doanh nghiệp dệt may sẽ phơi bày những tác động nghiêm trọng hơn bởi nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch.

Chuyên đề