Doanh nghiệp dệt may báo lãi khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một thời gian khó khăn, ngành dệt may Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Đơn hàng tăng trưởng, doanh nghiệp báo lãi khả quan, mở ra triển vọng tích cực cho ngành công nghiệp này.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng hơn 11%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 25 tỷ USD, tăng gần 15%; xuất siêu đạt 19 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023. Đà phục hồi mạnh mẽ của đơn hàng từ quý III/2024 đã giúp các doanh nghiệp dệt may ghi nhận kết quả khả quan trong năm nay.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất - kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024, không có đơn vị nào bị lỗ trong năm 2024. Trong khi đó, ngành sợi giảm tới 90% lỗ so với năm 2023. Năm 2024, Tập đoàn ước đạt 18.100 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 2,8%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023.

Trong số doanh nghiệp thuộc Vinatex công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 4.950 tỷ đồng và 336 tỷ đồng, tăng 5,3% và 59,3% so với thực hiện năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Tổng công ty.

Hay tại Tổng công ty Phong Phú, ước tính tổng doanh thu năm 2024 đạt 2.550 tỷ đồng, tăng 20,7%; lợi nhuận trước thuế năm 2024 ước đạt 352 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2023. Năm 2025, Tổng công ty CP Phong Phú đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận 355 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra, Tổng công ty cho biết sẽ phải tăng cường đầu tư tự động hóa, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tiết giảm chi phí…

Năm 2024, Tổng công ty May Hưng Yên - CTCP ước đạt 675 tỷ đồng doanh thu, bằng 98%; lợi nhuận trước thuế ước đạt 72 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2023.

May Hưng Yên dự báo, hoạt động sản xuất - kinh doanh năm tới khởi sắc hơn, với đơn hàng đã ký đến tháng 6/2025, đơn giá cơ bản giữ như năm 2024. Tổng công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2025 ở mức 616 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức 15 - 20%.

Đà phục hồi mạnh mẽ của đơn hàng được Vinatex nhận định là điểm sáng trong năm 2025. Tuy vậy, Vinatex cho rằng, thách thức trong năm tới sẽ không ít hơn các năm vừa qua. Trong đó, kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, sự phục hồi trở lại của các đối thủ cạnh tranh sau một năm bất ổn sẽ đưa nguồn cung trở lại rất lớn. Vinatex đặt mục tiêu năm 2025 tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, kết quả kinh doanh năm 2024 thuận lợi hơn so với năm 2023. Doanh thu của Công ty ghi nhận tăng trưởng 5% và đơn hàng đã kín đến hết tháng 4/2025, tuy nhiên đơn giá không được cải thiện. Thách thức của ngành dệt may hiện vẫn là thiếu hụt lao động do phải cạnh tranh với các ngành nghề khác như da giày, điện tử… Bên cạnh đó là khả năng Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có thể áp thuế quan lên hàng dệt may của các nước xuất siêu lớn vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Tại Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, đơn hàng đã kín cho quý I/2025 và đang tiếp nhận đơn hàng quý II/2025. Công ty CP Chứng khoán BIDV cho biết, đơn hàng tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cơ bản được lấp đầy đến hết quý I/2025 và đang tiếp tục đàm phán để chốt kế hoạch sản xuất cho nửa đầu năm 2025; biên lợi nhuận kỳ vọng tương đương hoặc cải thiện nhẹ so với 2024.

Chuyên đề