Doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong gian khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ môi trường kinh tế toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2025, đóng góp quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huấn Anh
5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huấn Anh

Duy trì đà tăng trưởng trong khó khăn, thách thức

Ông Phan Minh Thông - nhà sáng lập - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sinh vui mừng cho biết: “Sau nhiều nỗ lực, 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch XK hàng hóa của Tập đoàn tăng 30 - 32% so với cùng kỳ năm 2024”. Đạt được kết quả này, theo ông Thông, là nhờ Tập đoàn có “lối đi riêng” trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, thách thức.

“Phúc Sinh tập trung mạnh vào các hoạt động bán hàng, xúc tiến thương mại thông qua việc gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng khắp nơi trên thế giới để mở rộng thị trường XK. Đến nay, sản phẩm của Phúc Sinh đã XK tới 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, Tập đoàn tập trung mạnh mẽ vào công tác nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của Tập đoàn được khách hàng tin cậy và ủng hộ”, ông Thông chia sẻ.

Phúc Sinh hiện là một trong những DN XK lớn, nổi tiếng về hồ tiêu và cà phê, từng được đánh giá là “vua tiêu” với thị phần XK hồ tiêu lớn trên toàn cầu. Năm 2025, Phúc Sinh đặt mục tiêu tăng trưởng XK 15 - 20%. “Đây không chỉ là mục tiêu về con số mà còn là cam kết của chúng tôi trong việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và nâng tầm nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới”, ông Thông nhấn mạnh.

Tình hình đàm phán thương mại đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ vừa được Bộ Công Thương cập nhật cho thấy, hai bên nhất trí cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán, đặc biệt tập trung tối đa nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất, tạo cơ sở thúc đẩy XK bền vững cho DN Việt.

Trong lĩnh vực dệt may, đại diện Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, mặc dù tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay có nhiều biến động, nhu cầu tiêu thụ giảm, nhưng nhờ đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường XK, tập trung vào cải tiến sản xuất, cắt giảm lãng phí, tối ưu hóa mọi nguồn lực, hoạt động kinh doanh của Công ty khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2024. “Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã và đang tiếp nhận khoảng 80% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III/2025”, đại diện Công ty CP Dệt may Thành Công cho biết.

Khái lược bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2025 vừa được Bộ Tài chính tổng hợp cho thấy, XK tiếp tục là điểm sáng nổi bật. “Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch XK hàng hóa đạt 180,23 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,62 tỷ USD, tăng 12,5%, chiếm 27,5% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 130,61 tỷ USD, tăng 14,5%, chiếm 72,5%”, Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ Tài chính, trong 5 tháng đầu năm 2025, có 25 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch XK (trong đó có 7 mặt hàng XK đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 67,3%). Về cơ cấu nhóm hàng XK, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 158,93 tỷ USD, chiếm 88,2% tổng kim ngạch XK; tiếp đó là nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,88 tỷ USD, chiếm 8,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 4,21 tỷ USD, chiếm 2,3%... Hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất, đạt 164,75 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Thị trường XK được thúc đẩy mạnh mẽ, nhất là các thị trường lớn, truyền thống và thị trường mới như: Trung Quốc, Brazil, Nhật Bản với các sản phẩm mới như thực phẩm Halal…

Chủ động thích ứng

Dự báo về diễn biến kinh tế thế giới thời gian tới, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các DN tham gia XK nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro như bất ổn chính sách, căng thẳng thương mại và lạm phát gia tăng. Nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường: chính sách thuế và thương mại của Mỹ; áp lực lạm phát và rủi ro tỷ giá… Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua thúc đẩy mạnh mẽ các động lực, trong đó có XK (mục tiêu tăng 12%) nhằm góp sức đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ít nhất 8% trong năm 2025.

Ông Thông cho rằng, mục tiêu tăng trưởng XK 12% năm nay đầy thách thức nhưng không phải không thể đạt được. Cơ sở để đạt mục tiêu này là tiềm năng thị trường quốc tế rất lớn. Nhu cầu đối với các sản phẩm nông sản chất lượng cao từ Việt Nam, đặc biệt là cà phê, hạt tiêu và trái cây sấy, đang tăng trưởng tích cực. “Nếu các DN tập trung nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác tốt các cơ hội này”, ông Sinh gợi mở.

Cùng với đó, DN cần chuyển đổi sang sản phẩm giá trị cao để tối ưu hóa giá trị XK thay vì chỉ tập trung vào sản lượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt; đoàn kết trong việc xây dựng một thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, giúp nông sản Việt Nam định vị tốt hơn trên bản đồ thế giới…

Để thúc đẩy XK trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho biết, bên cạnh XK những sản phẩm truyền thống, đơn vị đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế và những sản phẩm có giá trị cao nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, mở rộng khách hàng tại các thị trường còn nhiều dư địa cũng như tìm kiếm, mở rộng khách hàng ở các thị trưởng mới.

Kiến nghị giải pháp thúc đẩy XK thời gian tới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các phương án đàm phán với Mỹ; tiếp tục đẩy mạnh XK, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước…

Về thị trường XK, phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, mặc dù XK được thúc đẩy, nhất là các thị trường lớn, truyền thống và thị trường mới…, song cần tiếp tục đẩy mạnh hơn.

Kết nối đầu tư