Doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn khó vào dự án nhà nước

(BĐT) - Ngày 26/7 tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) tổ chức hội thảo chuyên đề kinh tế số “Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0”. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp (DN) kiến nghị không nên phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT nêu thực trạng, hiện nay, có một số dự án đang hạn chế sự tham gia của các DN tư nhân, hay việc trợ giá từ một số DN nhà nước.

Bên cạnh đó, Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, gắn với sự phát triển của cuộc sống văn hóa, kinh tế, kỹ thuật…, nên cần được khuyến khích, hỗ trợ thay vì bắt nộp thêm phí. Ông Ngọc kiến nghị cần bỏ phí viễn thông công ích.

Cũng theo ông Ngọc, một số quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đang có nhiều bất cập. Nghị định này quy định quá nhiều công việc để đầu tư dự án xây dựng cơ bản, trong khi dự án đầu tư CNTT có tính đặc thù. Hơn nữa, nhiều quy định tại Nghị định có thủ tục rối rắm, vừa thừa vừa thiếu. Ông Ngọc đề xuất sửa đổi Nghị định 102, tạo điều kiện cho DN hoạt động.

Doanh thu từ thương mại điện tử năm 2016 của Việt Nam đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015. Dự kiến, doanh thu từ hoạt động này sẽ đạt mốc 5 tỷ USD vào năm 2020.
Theo thống kê, doanh thu từ thương mại điện tử năm 2016 của Việt Nam đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015. Dự kiến, doanh thu từ hoạt động này sẽ đạt mốc 5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 54%/năm. Ước tính đến năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone, chiếm 60% dân số, tăng gấp 30 lần so với năm 2010. Xu thế “số hóa” sẽ xuất hiện ở mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe…

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, cơ hội mở ra cho phát triển kinh tế số là rất lớn, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là tăng cường thu hút sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào quá trình này. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho các DN số được phát triển với những chính sách ưu đãi. Đồng thời, tạo bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước. Hạn chế việc trợ giá không lành mạnh cho một số DN Nhà nước.               

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề