Doanh nghiệp “còng lưng” vì chi phí nhân công gấp 3 - 4 lần định mức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có một thực tế bất cập là giá nhân công theo định mức tính trong giá gói thầu hiện rất lạc hậu chỉ bằng 1/3 giá thuê nhân công thực tế.
Ông Nguyễn Tường Tính, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Codaco

Ông Nguyễn Tường Tính,

Giám đốc Công ty CP Xây dựng Codaco

Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc huy động nhân lực để thực hiện các gói thầu lại càng khó khăn hơn, giá nhân công tiếp tục tăng cao. So với định mức Nhà nước ban hành thì giá nhân công thực tế hiện nay đã tăng 3 - 4 lần. Đó là chưa kể, nhà thầu đang phải trả các loại chi phí xét nghiệm (cứ 3 ngày xét nghiệm 1 lần) đối với nhân sự thi công trên công trường. Tính trung bình mỗi tháng nhà thầu phải gánh thêm chi phí xét nghiệm Covid-19 gần bằng tiền lương trả cho công nhân, nên khó khăn lại chồng khó khăn.

So với trước đây, trong định mức nhân công của Nhà nước đã không còn các loại phụ cấp vùng, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động nên nhiều lúc nhà thầu rơi vào nghịch cảnh “càng trúng thầu nhiều, càng thi công, càng lỗ nặng”. Hiện nay, chúng tôi đang thi công 7 công trình giao thông, dân dụng, thủy lợi (quy mô nhỏ) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đa số các công trình đều áp dụng loại hợp đồng trọn gói nên nhà thầu phải tự xoay xở để thực hiện, không được thanh toán phần chênh lệch phát sinh.

Chúng tôi đã có đơn kiến nghị các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nhà thầu trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, cách tính giá nhân công, định mức các loại vật liệu cho nhà thầu. Ngoài nhân công, các cơ quan chức năng cần có giải pháp cập nhật kịp thời, sát thực thị trường các đơn giá, định mức “đầu vào” của ngành xây dựng như giá thép, xi măng, cát... để chia sẻ gánh nặng về tài chính cho nhà thầu, bởi các đơn giá, định mức hiện nay đã lỗi thời, lạc hậu hàng năm so với thực tế chi trả của nhà thầu.

Chuyên đề