Đầu tư công nghệ mới là xu thế tất yếu của doanh nghiệp cơ khí. Ảnh: Tiên Giang |
Thách thức nhiều hơn cơ hội
Theo các chuyên gia kinh tế, khoảng 15 năm qua, do nhiều nguyên nhân ngành cơ khí nước ta vẫn còn yếu kém, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế hạn chế. Ngành cơ khí Việt Nam hiện tại vẫn chỉ dừng ở mức “làm gia công”, chưa đủ sức “tự chế tạo ra một số sản phẩm” có sức cạnh tranh quốc tế và đang bị “thua ngay trên sân nhà”. Các sản phẩm cơ khí khác phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng… chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, không có thương hiệu Made in Vietnam có uy tín để cạnh tranh quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) nhìn nhận, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội cho DN cơ khí Việt Nam. Các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, chuẩn mực sản phẩm của họ cũng cao hơn. Các sản phẩm cơ khí của Việt Nam khi vào được các thị trường này đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yếu tố về chất lượng, thời gian giao hàng…
Còn theo Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường cơ khí nước ta có phát triển, tuy nhiên dung lượng thị trường từng sản phẩm còn nhỏ. Song dưới góc nhìn lạc quan, Vụ Công nghiệp nhìn nhận, thời gian tới, khi TPP có hiệu lực, cùng với những hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các DN cơ khí Việt Nam có cơ hội mở rộng, phát triển các sản phẩm, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh hơn.
Chủ động thay đổi để thích nghi
Ông An nói thêm: “Khi DN nhà nước chưa cổ phần hóa, tất cả chủ trương đầu tư của DN phải trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt mà thời gian phê duyệt... thì rất lâu. Hơn nữa, “cấp trên” lại là người không bỏ tiền làm cùng DN nên sợ chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư”.
Một giải pháp khác để giúp DN cơ khí hội nhập TPP thành công, theo ông Lê Văn Tuấn, là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, nâng cao quản trị DN là công tác sống còn, đã, đang tích cực được triển khai tại Lilama và đã đạt được một số thành công. Hệ thống chất lượng sản phẩm phải được duy trì và bảo đảm cho dù có hay không sự tham gia của lãnh đạo DN. Không có chuyện tham gia TPP, DN được miễn giảm các loại thuế thì chất lượng sản phẩm kém đi.
Đại diện Công ty CP Sanwa Seimitsu Việt Nam cũng cho rằng: “Để có một vị trí cạnh tranh trong khu vực, DN cơ khí Việt Nam nên và cần chuẩn bị một hệ thống lao động mới - thế hệ lao động kỹ thuật cao, đồng thời tập trung trang bị những kiến thức chuyên ngành sâu rộng để hội nhập TPP thành công”.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, để hội nhập thành công, điều đầu tiên các DN cơ khí cần làm là thay đổi tư duy. Thực tế, DN cơ khí trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực hạn chế, cho nên vẫn tồn tại nhiều kiểu làm ăn “xổi”, “chộp giật”. Các DN cơ khí cần chủ động thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, từ bỏ tư duy “ao làng” để tránh “thua trên sân nhà”.