Doanh nghiệp chưa thật sự yên tâm phục hồi sản xuất kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 4 tháng trở lại đây, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới có xu hướng tăng trở lại. Trong tháng 10/2023, số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường cũng thiết lập dấu mốc mới với gần 21.100 DN - cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Vậy nhưng, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn tăng. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (QLĐKKD) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, DN vẫn chưa thực sự yên tâm để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tính chung 10 tháng, cả nước có 131.777 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa: Internet
Tính chung 10 tháng, cả nước có 131.777 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh họa: Internet

Xu hướng phục hồi là chủ đạo

Một trong những điểm sáng trong “bức tranh” đăng ký thành lập DN tháng 10 và 10 tháng năm 2023 là xu hướng hướng phục hồi hoạt động của DN vẫn là chủ đạo.

Theo Cục QLĐKKD, trong tháng 10/2023, cả nước có 15.435 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 125.844 tỷ đồng, tăng 18,5% về số DN và tăng 17,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 10 tháng, cả nước có 131.777 DN thành lập mới, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (110.953 DN). “Đây là tín hiệu cho thấy niềm tin của cộng đồng DN vào các chính sách, giải pháp của Chính phủ trong thời gian vừa qua”, Cục QLĐKKD nhận xét.

Như vậy, số lượng DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 183.638 DN, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng giai đoạn 2018 - 2022 (148.656 DN).

Trong thời gian này, có 12/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có: giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Bên cạnh đó, trong tháng 10/2023, cả nước cũng có trên 46.300 hộ kinh doanh (HKD) được cấp thành lập mới thông qua cơ chế liên thông với số vốn đăng ký là 14.883 tỷ đồng, tăng 11,8% về số HKD và tăng 8,4% về vốn đăng ký so với tháng 9/2023. Số lao động đăng ký của HKD là 90.308 lao động, tăng 9,7% so với tháng 9/2023.

Tuy vậy, “sức khỏe” DN vẫn còn yếu khi nhìn kỹ vào các con số đăng ký. Cụ thể, trong tháng 10, cả nước có gần 12.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là DN chờ làm thủ tục giải thể.

Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng, cả nước có có 146.550 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh gần 81.100 DN, tăng trên 22% so với cùng kỳ; số DN chờ làm thủ tục giải thể hơn 50.700 DN, tăng 25,9% so với cùng kỳ…

Quy mô vốn của DN trên thị trường tiếp tục có xu hướng giảm, vốn đăng ký bình quân trên một DN trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 10 tháng kể từ năm 2017 đến nay. “Những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN”, Cục QLĐKKD nêu rõ.

Trước đó, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sáng 23/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ trăn trở khi hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số DN giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa DNNN còn chậm. Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh

Nhận định về tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Ở trong nước, nền kinh tế vẫn có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ giải pháp trọng yếu những tháng cuối năm nay là tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là một trong số quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 nhằm góp phần nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Hiến kế cho vấn đề nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, nắm bắt cơ hội kinh doanh trong thời gian tới, Cục QLĐKKD kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường khả năng kết nối giữa ngân hàng với DN nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn, chú trọng hơn kích thích tổng cầu, tạo nhu cầu vay vốn. Khuyến kích tổ chức tín dụng mở rộng sản phẩm dịch vụ ngân hàng với ưu đãi phí cạnh tranh.

Các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm những thủ tục hành chính gây tốn kém, tăng chi phí cho người dân, DN.

Các tổ chức tín dụng cần rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, đăng ký cho vay, đồng thời triển khai các gói tín dụng phù hợp của ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh.

“Một số chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cần tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất và áp dụng để hỗ trợ, kích thích sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Cục QLĐKKD kiến nghị.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; Chính phủ kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người dân…

Chuyên đề