Doanh nghiệp chật vật vì thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình trạng bế tắc do không “xoay” được vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến cho rằng, cần xem xét bơm thêm vốn cho nền kinh tế, đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cơ cấu hoạt động, đa dạng hóa kênh huy động vốn.
Nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do không thu xếp được nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng do không thu xếp được nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, doanh nghiệp này đang cực kỳ khó khăn, hàng trăm công nhân có nguy cơ tạm ngừng làm việc. Nguyên nhân không phải vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng mà là thiếu nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

“Công ty chúng tôi là khách hàng thân thiết của 1 ngân hàng thương mại nhiều năm nay với nguồn tín dụng được cấp ổn định hàng năm. Song từ đầu năm đến nay, ngân hàng trả lời là chưa thể giải ngân được. Chúng tôi đã cầm cự và chờ đợi, nhưng đến nay gần như không thể cố nổi. Khách hàng tiềm năng của chúng tôi rất nhiều, nhưng không dám thương thảo hợp đồng bởi khả năng thực hiện không chắc chắn do thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp cơ khí cũng đang rơi vào tình trạng này. Rất mong các cấp ban ngành, các tổ chức tín dụng đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.”, ông Hồng nói.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh nghiệp cũng gặp nhiều hạn chế về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do tỷ suất lợi nhuận của ngành dệt may thấp. Trong khi đó, đây lại là lĩnh vực cần khuyến khích phát triển. Do đó, ông Hiếu đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý dựa trên thực tế kinh doanh hiện nay của chuỗi cung ứng toàn cầu để cung cấp hạn mức tín dụng bảo đảm sản xuất.

Đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành thép cho biết rất cân nhắc vay vốn ngân hàng vì lãi suất đã tăng từ 7 - 8% lên đến trên 10%, đây là mức lãi suất quá cao với hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, nhu cầu vốn của nền kinh tế lớn nhưng ngân hàng cũng không thể đáp ứng được nhiều bởi thiếu hụt nguồn tiền và hạn chế về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần cân nhắc thực hiện các chính sách hỗ trợ để tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Trước hết, nên tính đến việc bơm vốn cho nền kinh tế, tăng lượng cung tiền, tăng hạn mức tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần quyết liệt hơn nữa trong giải ngân đầu tư công vào các dự án trọng điểm để vừa bơm tiền cho nền kinh tế, vừa hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho những năm sau.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện nay là thời điểm thích hợp để xem xét lại bài toán về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mặt bằng lãi suất đã lên mức cao, nghĩa là doanh nghiệp sẽ rất cân nhắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, hay nói cách khác, rất cấp bách thì mới vay. Trong khi đó, rất nhiều ngân hàng đã đạt chuẩn mực về giám sát và quản trị nguồn vốn theo Basel II, năng lực quản trị rủi ro đã tốt hơn rất nhiều so với nhiều năm trước. Do đó, có thể xem xét mở hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng đạt Basel II.

Từ góc độ khác, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để góp phần kìm đà tăng của lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20 - 40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất do sức ép từ việc tăng lãi suất huy động.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các vướng mắc trong thực thi gói hỗ trợ lãi suất 2% đang được tích cực tháo gỡ, qua đó sẽ hỗ trợ cho một bộ phận doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tăng hạn mức tín dụng là bài toán cần tính toán rất thận trọng bởi lo ngại lạm phát năm sau có thể tăng cao.

“Từ phía doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cần tính toán cơ cấu lại hoạt động và nguồn vốn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt có thể tính cách huy động vốn các kênh khác. Mới đây, Vinfast huy động được nguồn tín dụng 135 triệu USD từ ADB là một ví dụ rất đáng chú ý”, ông Lực nói.

Chuyên đề