Doanh nghiệp cao su thiên nhiên “hụt hơi”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá bán cao su giảm cùng với chi phí tăng cao là nguyên nhân kéo lợi nhuận quý III/2022 của nhiều doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên công bố lợi nhuận quý III/2022 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Song Lê
Nhiều doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên công bố lợi nhuận quý III/2022 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Song Lê

Giá bán giảm, chi phí tăng

Trong quý III/2022, Công ty CP Cao su Bà Rịa (Baruco) ghi nhận sản lượng tiêu thụ mủ cao su ở mức khả quan, đạt hơn 2,323 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán bình quân ở mức hơn 40,33 triệu đồng/tấn, giảm 4,6%. Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng tăng trưởng 3%, đạt 96,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ bằng khoảng 1/3 cùng kỳ năm 2021, đạt 16 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế quý III/2022 của Baruco chỉ đạt 15,5 tỷ đồng, giảm 59,2% so với quý III/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Baruco ghi nhận 229,8 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 103 tỷ đồng, tăng trưởng 33,7%. Đóng góp lớn cho lợi nhuận của Công ty là nguồn thu từ thanh lý vườn cây cao su.

Đánh giá về tình hình kinh doanh thời gian qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, mảng kinh doanh cao su dù những tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực, nhưng tới nay, thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm, các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của Tập đoàn.

Chung tình cảnh kinh doanh không thuận lợi, Công ty CP Cao su Tây Ninh (Taniruco) cho biết, giá bán mủ cao su bình quân quý III/2022 ở mức 39,6 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1 triệu đồng/tấn (tương ứng 2,46%) so với quý III/2021. Dù doanh thu bán hàng của Công ty trong quý III/2022 tăng trưởng 37,3%, đạt 124,7 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, đạt 14,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, Taniruco lãi trước thuế 55,3 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Trading Economics, sau đợt phục hồi trong tháng 5/2022, giá cao su rơi vào xu thế giảm mạnh, từ mức 1,684 USD/kg đầu tháng 6 xuống 1,294 USD/kg (mức thấp nhất 2 năm qua) vào ngày 7/9 và hiện được giao dịch quanh mức 1,303 USD/kg.

Trong quý III/2022, Công ty CP Cao su Tân Biên ghi nhận 189,1 tỷ đồng doanh thu và 18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 28,5% và 89,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kém khả quan hơn, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk ghi nhận hoạt động kinh doanh cao su lỗ gần 0,4 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận đạt 23 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí khác, Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk lỗ trước thuế 2,58 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 48,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Khó khăn vẫn còn ở phía trước

Nhiều doanh nghiệp khai thác cao su đã đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng hơn trong nửa cuối năm 2022. Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá cao su thế giới liên tục giảm mạnh kể từ đầu tháng 7. Cụ thể, theo số liệu từ Trading Economics, sau đợt phục hồi trong tháng 5/2022, giá cao su rơi vào xu thế giảm mạnh, từ mức 1,684 USD/kg đầu tháng 6 xuống 1,294 USD/kg (mức thấp nhất 2 năm qua) vào ngày 7/9 và hiện được giao dịch quanh mức 1,303 USD/kg.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong tháng 8 và tháng 9/2022, tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đạt khoảng 2,693 triệu tấn, tăng 71 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu tăng lên 2,456 triệu tấn, tăng 85 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn cung dư thừa trong giai đoạn này đã góp phần vào biến động của giá cao su trên thị trường thế giới, bên cạnh các yếu tố như giá dầu thô giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Cùng với đó, đồng USD mạnh lên cũng làm giá cao su giảm vì hầu hết các đồng tiền của những nước sản xuất cao su lớn đã mất giá so với USD.

Thời gian tới, báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong nhận định, với kỳ vọng ngành sản xuất xe hơi Trung Quốc - thị trường nhập khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam - phục hồi, tính thời vụ thường vào cuối năm sẽ giúp nhu cầu cao su tăng trưởng trở lại.

Chuyên đề