Doanh nghiệp cao su dè dặt đặt mục tiêu lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hưởng lợi từ giá bán tăng cao, nhiều doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2021. Năm 2022, nhiều doanh nghiệp trong ngành đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng dù được dự báo tiếp tục gặp thuận lợi cả về giá và lượng tiêu thụ.
Diễn biến giá cao su thiên nhiên tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (Nhật Bản) (Đơn vị tính: JPY/kg)
Diễn biến giá cao su thiên nhiên tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (Nhật Bản) (Đơn vị tính: JPY/kg)

Công ty CP Cao su Tân Biên dự kiến sản lượng tiêu thụ cao su năm 2022 ở mức 11.000 tấn, trong đó xuất khẩu 4.200 tấn và tiêu thụ nội địa 6.800 tấn. So với sản lượng tiêu thụ năm 2021, con số kế hoạch năm nay thấp hơn 19%. Cùng với đó, kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm nay cũng thấp hơn lần lượt 27,5% và 34% so với năm ngoái, lần lượt đạt 524,2 tỷ đồng và 116,15 tỷ đồng.

Lo ngại về tình hình tiêu thụ, Công ty CP Cao su Tây Ninh đặt mục tiêu kinh doanh thấp hơn so với năm ngoái. Theo đó, Công ty dự kiến sản lượng tiêu thụ đạt 8.200 tấn, giảm khoảng 3% so với năm ngoái; giá bán bình quân dự kiến ở mức 32,15 triệu đồng/tấn, thấp hơn 9,63 triệu đồng/tấn so với năm ngoái. Về con số kinh doanh, Cao su Tây Ninh dự kiến đạt 355 tỷ đồng tổng doanh thu và 75,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm gần 18% và 40% so với năm 2021.

Tương tự, một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Cao su Thống Nhất ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 giảm 20% so với năm ngoái, đạt 36 tỷ đồng, dù tổng doanh thu dự kiến tăng 12% lên 31,5 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Cao su Đắk Lắk đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 102,2 tỷ đồng, giảm 12,1% so với năm 2021.

Công ty CP Cao su Đồng Phú chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm nay, nhưng theo báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Thành Công (TCSC), lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Cao su Đồng Phú có thể giảm tới 19% xuống còn 361 tỷ đồng dù doanh thu dự báo tăng trưởng 7%.

Trong khi đó, diễn biến giá cao su thiên nhiên thế giới cho thấy xu hướng phục hồi. Giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (Nhật Bản) tăng mạnh kể từ tháng 9/2020 và đạt đỉnh 338 JPY/kg vào ngày 21/1/2021. Mức giá sau đó sụt giảm và tạo đáy vào 9/9/2021 trước khi bước vào chu kỳ tăng trở lại, hiện được giao dịch quanh mức 260 JPY/kg, mức cao nhất trong 2 tuần trở lại đây, nhờ sự yếu đi của đồng yên Nhật (JPY) và nguồn cung bị thắt chặt do ảnh hưởng của mùa đông ở các vùng phía Nam của Thái Lan. Tuy nhiên, giá cao su trong quý I/2022 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là yếu tố khiến kết quả kinh doanh quý đầu năm của doanh nghiệp khai thác cao su thiên nhiên sụt giảm.

Nhìn chung, cao su tiếp tục được dự báo là ngành kinh doanh thuận lợi trong năm nay. Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, giúp Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất khẩu và giá trị thu về. Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu về cao su thiên nhiên sẽ tăng trong thời gian tới. Việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ rất sáng, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. Cũng theo dự báo của ANRPC, sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 sẽ tăng 5,6% so với năm 2021.

Chuyên đề