Doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ để phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để cầm cự qua khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sau 4 đợt dịch, DN đã bị bào mòn nhiều nguồn lực nên cần thêm giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, dài hơi hơn để vừa giảm bớt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội, vừa giúp những DN sống sót, tranh thủ cơ hội phục hồi.
Khoảng 90% doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tê liệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, khoảng 60% rất khó phục hồi. Ảnh: Lê Tiên
Khoảng 90% doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tê liệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó, khoảng 60% rất khó phục hồi. Ảnh: Lê Tiên

Chính sách chưa đủ liều

Bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng cũng có tiềm năng phục hồi nhanh, ngành du lịch đang rất cần những giải pháp hỗ trợ cụ thể, mạnh mẽ hơn. Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khoảng 90% DN du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tê liệt không hoạt động, trong đó, khoảng 60% rất khó phục hồi. Bà Lan đề xuất cần có chính sách cụ thể liên quan đến việc giải quyết phá sản, giải thể của những DN đó. Ví dụ với các khoản nợ do không triển khai được các chương trình du lịch, khoản vay trả lương… thì giải quyết thế nào. Đối với DN đang tiếp tục duy trì, dù yếu ớt, cần có thêm chính sách hỗ trợ để DN phục hồi, như hỗ trợ cho vay vốn để hoạt động, vay để trả lương cho người lao động. Ngoài ra, ¾ lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch không có việc làm trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có hỗ trợ đối với đội ngũ hướng dẫn viên, nhưng còn rất nhiều nhân lực du lịch ở lĩnh vực khác gặp khó khăn trong tiếp cận hỗ trợ.

Còn theo ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các gói hỗ trợ hiện nay mới chủ yếu là giãn, hoãn nộp thuế, liều lượng còn thấp, cầm chừng, thời gian hỗ trợ ngắn so với tình hình thực tế của dịch bệnh kéo dài, khó khăn của DN lớn hơn rất nhiều. Vì thế, một mặt cần triển khai hiệu quả các chính sách đã ban hành, một mặt cần có những gói hỗ trợ lớn hơn, chính sách hỗ trợ, khoanh nợ với một số khoản nợ để DN có điều kiện vay mới, tiếp tục giảm lãi suất cho vay năm 2021 và năm 2022 chỉ từ 7 - 8%...

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều DN cả thời gian dài gần như không có nguồn thu, trong khi vẫn phải trang trải chi phí, có DN với hàng chục nghìn lao động, riêng trả lương trong thời gian giãn cách đã 500 - 600 tỷ đồng. Hiện DN không có nguồn để bù lại chi phí, chưa nói đến sắp xếp nguồn lực để phục hồi, hoạt động trở lại. Cho biết đơn hàng đối với ngành dệt may vẫn bảo đảm, nhưng DN cần có thêm hỗ trợ để tranh thủ thời gian phục hồi, đặc biệt là chính sách để tổ chức được sản xuất, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hút người lao động trở lại làm việc…

Thêm giải pháp kịp thời, dài hơi

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị, cần có hỗ trợ về thanh khoản và tiếp cận vốn tín dụng. Hỗ trợ giảm chi phí, cụ thể là miễn giảm các loại phí không phụ thuộc vào kết quả và mức độ kinh doanh như phí cảng biển, tiền thuê đất, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, ký quỹ du lịch. Miễn các khoản thuế đang hoãn nộp theo các nghị quyết hiện hành; giảm tiền điện; có chương trình tín dụng đặc biệt cho một số ngành tê liệt như du lịch, hàng không; hỗ trợ chi phí tuân thủ phòng chống dịch... Đồng thời phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính,…

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) kiến nghị Chính phủ không đưa ra các loại thuế, phí, đóng góp mới trong ít nhất 2 năm kể từ khi kiểm soát tốt được dịch, dự kiến là năm 2022, nghĩa là đến hết năm 2024, để DN có thời gian phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch.

Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất có chính sách cho DN chuyển lỗ về các năm trước để giảm gánh nặng cho những DN có sức sống tốt trước đây nhưng hiện đang gặp khó khăn. Như vậy sẽ giúp giảm nhẹ được gánh nặng cho DN trong giai đoạn này, hỗ trợ phục hồi tốt hơn. Bên cạnh các gói hỗ trợ từ Nhà nước, cần thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp, có thêm hỗ trợ tiền mặt.

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến đã đưa vào các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ DN phục hồi, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN có khả năng khôi phục, tận dụng cơ hội sau dịch bệnh; hỗ trợ phục hồi DN trong một số ngành, lĩnh vực bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng; tài chính (miễn, giảm thuế, phí); phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề