Doanh nghiệp BĐS bị siết chặt kênh huy động vốn qua trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, trái phiếu trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nóng khiến kênh huy động này chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài phát hành trái phiếu, doanh nghiệp BĐS còn có thể tìm vốn từ đâu?
Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau 11 tháng khoảng 187,16 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhóm bất động sản hiện dẫn đầu với tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp sau 11 tháng khoảng 187,16 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, sau 11 tháng đầu năm nay có tổng cộng 826 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 803 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 468.85 nghìn tỷ đồng, 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26,34 nghìn tỷ đồng. Nhóm BĐS hiện đang dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.16 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.

Có thể kể đến Công ty CP Bất động sản Dragon Village huy động thành công 2.000 tỷ trái phiếu không có tài sản đảm bảo sau 4 đợt phát hành; Công ty CP Đầu tư Pearl City thu về 100 tỷ trái phiếu không có tài sản đảm bảo với lãi suất lên đến 12%/năm. Thậm chí có những doanh nghiệp phát hành nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên đã bị xử phạt như Công ty CP Tập đoàn VSETGROUP và Công ty CP Tập đoàn Apec Group.

Trước sự phát triển quả nóng, ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện về quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thanh, kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ TPDN, nhất là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp BĐS, ngân hàng có liên quan tới doanh nghiệp BĐS.

Nằm trong diện thanh tra lần này là các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Kết quả thanh tra báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/12/2021.

Theo một báo cáo được FiinGroup phát hành vào giữa tháng 11/2021, chất lượng tín dụng một số nhà phát hành trái phiếu BĐS rất yếu. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu, rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở đòn bẩy tài chính (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) hiện ở mức 8,1 lần, trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đáng chú ý, chính các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán là các đơn vị mua trái phiếu này. Dù phần lớn có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba nhưng trên thực tế, giá trị thu hồi rất thấp do tính phức tạp của các thủ tục xử lý tài sản thế chấp và thời gian kéo dài.

Ngoài những cảnh báo của Bộ Tài chính, các biện pháp tăng cường thanh tra, giám sát phát hành TPDN, ngày 10/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN siết chặt hoạt động mua trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Điểm nhấn của Thông tư là đưa ra quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua TPDN với mục đích: để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, mặc dù bị siết chặt quản lý nhưng TPDN vẫn là kênh huy động tiềm năng trong thời gian tới bởi quy mô kênh này hiện mới chiếm khoảng 15% GDP. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể huy động qua kênh tín dụng truyền thống và phát hành cổ phiếu. Để huy động vốn qua kênh cổ phiếu một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần phải phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán thuận lợi như thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ huy động vốn qua kênh này, đặc biệt là doanh nghiệp có nhu cầu vốn trung và dài hạn lớn như BĐS.

Tháng 10 vừa qua, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ đã bán thành công hơn 91,19 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu, thu về gần 912 tỷ đồng. Tháng 9/2021, Công ty CP Đầu tư Nam Long huy động thành công hơn 2.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phần với giá bán lên đến 33.500 đồng/cổ phần.

Bà Phạm Thị Thế, Cố vấn Hội đồng Quản trị Công ty CP Xây dựng 1369 cho biết, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp thiếu nguồn vốn và dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thì thị trường chứng khoán đã giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề này. Nếu doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vay ngân hàng thì sẽ có rất nhiều rủi ro.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư