Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp “sống khỏe”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong khi các loại hình bất động sản như nhà ở, du lịch, văn phòng cho thuê đối diện với nhiều khó khăn, thì bất động sản công nghiệp (BĐSCN) vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, được dự báo sẽ “sống tốt” trong năm 2024 và các năm tới.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2024. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2024. Ảnh: Lê Tiên

Mảng sáng bất động sản công nghiệp

Theo CBRE Việt Nam, thị trường BĐSCN Việt Nam hoạt động tích cực trong quý đầu tiên của năm 2024. Việc giữ chân nhà đầu tư để khai thác tối đa nguồn lực đất đai, tạo lợi nhuận ổn định ngay cả trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế đã được các chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) khai thác triệt để.

Một số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này có kết quả kinh doanh khả quan có thể kể đến: Công ty CP Sonadezi Châu Đức, Tổng công ty IDICO, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC, Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG… Đa phần hoạt động kinh doanh cốt lõi của các DN này đều tăng trưởng tích cực.

Trong quý I/2024, Tổng công ty IDC đạt doanh thu hơn 2.467 tỷ đồng, tăng 115% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận trước thuế đạt 999,3 tỷ đồng, gấp 4,7 lần quý I/2023. Đáng chú ý, doanh thu mảng hạ tầng KCN tăng trưởng đột biến, đạt gần 1.308 tỷ đồng, gấp 6,3 lần cùng kỳ năm trước, chiếm 53% tổng doanh thu.

Tổng công ty CP Phát triển KCN Sonadezi ghi nhận doanh thu thuần gần 1.292 tỷ đồng quý I/2024, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng kinh doanh KCN chiếm tỷ trọng 28%, mang về hơn 390 tỷ đồng, tăng 57%. Sau khấu trừ các khoản chi phí, lãi gộp của Tổng công ty đạt gần 559 tỷ đồng, tăng 40%.

Tương tự, doanh thu thuần của Becamex IDC trong quý I/2024 đạt 812 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế 119 tỷ đồng, tăng 60%. Trong đó, mảng kinh doanh BĐS đóng góp tới 450 tỷ đồng vào tổng doanh thu.

Với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG, quý I năm nay, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 1.826 tỷ đồng, tăng 432 tỷ đồng, tương đương tăng 31% so với quý I/2023; lãi sau thuế đạt 258 tỷ đồng, tăng 43,9%.

Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, từ nửa cuối năm ngoái, nhiều chủ đầu tư KCN đã ký biên bản ghi nhớ về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới, do đó các hợp đồng này sẽ được chuyển thành hợp đồng chính thức và ghi nhận doanh thu trong năm 2024. Những chủ đầu tư sở hữu nhiều đất sạch có nhiều lợi thế. Năm ngoái, cổ phiếu của các DN KCN tăng 24% và vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trong quý I/2024.

Nhiều chủ đầu tư dự báo, nhu cầu thuê đất ở các KCN miền Bắc sẽ tăng cao trong năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Riêng các KCN ở miền Nam có thể ghi nhận sự phục hồi kỹ thuật từ mức nền thấp trong năm 2023, với các DN thuê đất công nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất (dệt may, gỗ, da giày), logistics và thực phẩm, đồ uống.

Đối với thị trường kho xưởng xây sẵn, nhiều dự án quy mô lớn tiếp tục ra mắt tại khu vực phía Bắc trong quý đầu năm, tập trung ở thị trường Bắc Ninh. Tại miền Nam, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, không có nguồn cung mới trong quý I/2024, các dự án mới vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Các diễn biến tích cực đến từ việc một số nhà sản xuất lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất vật liệu bán dẫn, công nghệ động cơ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc thuê xưởng sản xuất như Công ty công nghệ cao VDL (Hà Lan), Tecnotion (Hà Lan)...

Duy trì vị thế

Nhiều chuyên gia về BĐSCN cho biết, hiện tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh đạt trên 85%. Trong năm 2024, nguồn cung KCN mới ở phía Bắc dự báo sẽ đạt 528 ha tại 3 KCN ở Bắc Ninh và Hải Dương. Nguồn cung KCN mới tại miền Nam đạt 1.506 ha tại các tỉnh Bình Dương và Long An như: KCN NTC3 (Công ty CP KCN Nam Tân Uyên), KCN Cây Trường (Becamex IDC), VSIP 3 giai đoạn 2 (VSIP), KCN Phú Thuận (chủ đầu tư là đơn vị quản lý dự án trực thuộc tỉnh Bến Tre).

Được biết, quy hoạch đất KCN cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 đang được trình Chính phủ và một số địa phương đã được phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, do tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm và việc nộp tiền sử dụng đất kéo dài, nên dự báo nguồn cung KCN mới nói trên có thể đi vào hoạt động trong năm 2026 sau khi các chủ đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý và GPMB.

Thời gian qua, các nhà sản xuất trong và ngoài nước có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 như Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh, nơi quỹ đất công nghiệp còn tương đối dồi dào, giá thuê cạnh tranh hơn so với các thị trường cấp 1.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Chi nhánh Hà Nội nhận định, giá cho thuê bình quân trong năm 2024 của các KCN Việt Nam có thể tăng 5% dù đã tăng mạnh trong năm 2023. Các KCN mới đi vào hoạt động sẽ có giá cho thuê thấp hơn cùng khu vực nhằm thu hút lượng khách thuê lớn. Trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 3 - 9%/năm ở miền Bắc và tăng 3 - 7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo tăng từ 1 - 4%/năm trong 3 năm tới.

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2024, BĐSCN có thể phải đối mặt với một số khó khăn như: thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng từ ngày 1/1/2024 làm giảm hấp dẫn khách thuê trong KCN (ưu đãi hiện nay gồm miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm đầu hoạt động, giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo); lợi thế cạnh tranh về giá thuê tại các KCN Việt Nam so với khu vực châu Á đang giảm dần; chi phí đầu tư cho các KCN mới ước tính sẽ cao hơn do giá đất tăng cao và quá trình thu hồi đất kéo dài.

Theo bà Nguyễn Hoài An, để tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông kết nối, điện lưới, KCN cũng như nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh các chính sách ưu đãi phù hợp.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khuyến nghị, Việt Nam đã hình thành một hệ thống 422 KCN có mặt trên 61 tỉnh, thành trong cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển KCN, khu kinh tế cần các mô hình mới với các chính sách phù hợp như mô hình KCN sinh thái để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyên đề