Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp: Đứng vững trong mùa Covid

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng đối với các nhà sản xuất đa quốc gia trong bối cảnh có sự dịch chuyển mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp (BĐSCN) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm qua và tiếp tục khởi sắc trong năm 2021.
Ghi nhận thêm tiền đền bù đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty CP Cao su Phước Hòa có lãi ròng năm 2020 tăng 140% so với năm trước, đạt 1.080 tỷ đồng. Ảnh: Danh Phúc
Ghi nhận thêm tiền đền bù đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty CP Cao su Phước Hòa có lãi ròng năm 2020 tăng 140% so với năm trước, đạt 1.080 tỷ đồng. Ảnh: Danh Phúc

Việt Nam được biết đến nhiều hơn nhờ thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Với GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong năm qua.

Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset nhận định, ảnh hưởng của đại dịch và các chính sách thuế quan của Mỹ khiến nhiều nhà sản xuất đa quốc gia đẩy mạnh sự dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Vốn được đánh giá cao về tính an toàn và ổn định về chính trị, kinh tế, những thành tựu kể trên đang giúp Việt Nam trở thành điểm đến trong xu hướng dịch chuyển này.

Hưởng lợi từ xu thế này, nhiều doanh nghiệp BĐSCN ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn còn quỹ đất cho thuê trong năm 2020 và hưởng lợi từ việc giá thuê đất trong khu công nghiệp (KCN) tăng trong năm. Một số khác ghi nhận kết quả kinh doanh kém tích cực hơn, chủ yếu do quỹ đất sẵn sàng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không còn, dẫn đến lợi nhuận suy giảm trong năm 2020.

Nhờ ghi nhận thêm tiền đền bù đất thực hiện Dự án KCN Nam Tân Uyên, Công ty CP Cao su Phước Hòa có lãi ròng tăng 140% so với năm trước, đạt 1.080 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, Công ty ghi nhận 1.484 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện cho thuê đất trong KCN Tân Bình, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Khoản này sẽ được phân bổ dần vào kết quả kinh doanh của các năm tiếp theo căn cứ vào thời gian thuê đất còn lại mà khách hàng đã trả tiền trước.

Những doanh nghiệp thắng lớn trong năm 2020 còn có Công ty CP Sonadezi Châu Đức với lãi ròng 186 tỷ đồng (tăng trưởng 38,8%); Công ty CP Long Hậu ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 39,8%, đạt 199,5 tỷ đồng; Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên lãi ròng gần 281 tỷ đồng (tăng trưởng 20%)…

Nhu cầu thuê đất gia tăng kéo theo sự chạy đua phát triển quỹ đất công nghiệp của các nhà phát triển BĐSCN. Trong đó có Tập đoàn Vingroup (doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước) đã tiến hành tăng vốn điều lệ của Công ty CP Đầu tư Khu công nghiệp VinHomes (VinHomes IZ) từ 70 tỷ lên 6.000 tỷ đồng vào đầu năm 2020 để đầu tư hai dự án đầu tiên tại Hải Phòng, bao gồm KCN Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha và KCN Thủy Nguyên có tổng diện tích 319 ha.

Hay Công ty CP Cao su Hòa Bình vào tháng 9/2020 đã thông qua chủ trương hợp tác đầu tư KCN - dịch vụ - tái định cư quy mô dự án khoảng 2.000 ha, diện tích đầu tư đang thuộc quản lý của Công ty tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC).

TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bên cạnh giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư FDI cũng là một điểm sáng của Việt Nam trong năm nay. Trong bối cảnh đầu tư FDI toàn cầu giảm do Covid-19 và xu hướng chung, FDI vào Việt Nam vẫn khá tích cực. Từ đầu năm đến ngày 20/11/2020, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 17,2 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi vốn đăng ký giảm khoảng 15%. Việc tiếp tục có mức vốn FDI giải ngân ổn định là do các nhà đầu tư đánh giá cao về triển vọng kinh tế Việt Nam. Việc dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam khá tích cực cũng giúp các doanh nghiệp kinh doanh BĐSCN được hưởng lợi do nhu cầu thuê đất tăng lên.

Chuyên đề