Doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị tâm thế tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một thời dài tái cấu trúc toàn diện, nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã dần trở lại trạng thái cân bằng và đang chuẩn bị tâm thế tăng tốc cho chặng đường phía trước.
Nguồn cung mới đối với tất cả các phân khúc, nhất là căn hộ và biệt thự, nhà liền kề dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024. Ảnh: Song Lê
Nguồn cung mới đối với tất cả các phân khúc, nhất là căn hộ và biệt thự, nhà liền kề dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024. Ảnh: Song Lê

Trút bớt những gánh nặng

Thời gian qua, đứng trước vô vàn khó khăn, hàng loạt DN BĐS đã chủ động thanh lý tài sản, cơ cấu lại nợ nần, tinh gọn bộ máy, tháo gỡ từng bước các vướng mắc pháp lý dự án để tìm cách vượt thoát những cam go. Điển hình trong số này là Novaland, Phát Đạt, Đất Xanh, Khang Điền cùng hàng trăm DN vừa và nhỏ khác. Nỗ lực của các DN bước đầu đã tạo ra được những kết quả tích cực.

Mới đây, một lãnh đạo của Novaland cho biết, các dự án của Tập đoàn triển khai đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng cũng như việc tài trợ tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại. Hiện, Novaland chờ sớm nhận được kết luận từ TP.HCM nhằm tháo gỡ những khó khăn pháp lý cuối cùng tại Dự án chung cư 100 Cô Giang (The Grand Manhattan), Dự án 32 ha Bình Khánh (The Water Bay) và Dự án 136 ha Thạnh Mỹ Lợi. Đây là các dự án Công ty cam kết sẽ bố trí đầy đủ diện tích cho nhà ở xã hội và phần tái định cư.

Đối với các dự án Aqua City (Đồng Nai), NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), cơ bản các vướng mắc đều có hướng xử lý và Công ty đã hoàn thành một số thủ tục. Novaland mong Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể để có thể phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao, có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về thủ tục pháp lý, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố, có chính sách giảm thuế và giãn thuế thu nhập DN cho DN BĐS. Lãnh đạo Novaland cho biết, đến thời điểm này, về cơ bản Công ty đã hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu trong và ngoài nước, tài sản vẫn cân đối với các khoản nợ.

Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt cho hay, ngoài số vốn hơn 670 tỷ đồng đã huy động thành công thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cuối năm 2023, vừa qua Công ty đã nộp hồ sơ xin phép phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thu về khoảng 1.340 tỷ đồng trong năm 2024. Số tiền này góp phần giúp Phát Đạt đã trả khoản nợ trái phiếu 2.500 tỷ đồng đúng hạn và trước hạn, tái cấu trúc tài chính diễn ra nhanh hơn, tạo nền tảng tài chính vững chắc cho nhiều năm tiếp theo.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tính đến tháng 5/2024, tiến độ san lấp mặt bằng của Phát Đạt tại Dự án Bắc Hà Thanh (Bình Định) đã đạt hơn 50%; nhân sự, máy móc đang được huy động để thi công liên tục trên công trường, nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa Dự án vào khai thác. Đây là dự án Phát Đạt sẽ mở bán trong năm 2024 cùng với một số dự án trọng điểm khác như Thuận An 1&2 (Bình Dương) và Cadia (Quy Nhơn)… Dự kiến, các dự án này sẽ mang về khoảng 40.000 tỷ đồng doanh thu cho Phát Đạt trong năm nay.

Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh mới đây đã huy động được hơn 1.220 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Đất Xanh tăng từ hơn 6.207 tỷ đồng lên 7.224 tỷ đồng. Với số vốn huy động được, Công ty có thêm nguồn lực để triển khai các dự án Gem Sky World (Đồng Nai), Datxanh Homes Riverside (TP.HCM)… trong thời gian tới.

Để tiến xa hơn

Trải qua những thời khắc trầm lắng và khó khăn, theo CBRE Việt Nam, nguồn cung mới đối với tất cả các phân khúc BĐS, nhất là căn hộ và biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024, lần lượt là 25.000 căn (tăng 33% so với năm 2023) và 6.000 căn (tăng 168%). Sở dĩ có được dự báo lạc quan này là nhờ nhiều dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý và ra mắt thị trường, các chủ đầu tư tích cực bán hàng, người mua nhà cải thiện được tâm lý, lãi suất cho vay mua nhà điều chỉnh.

Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định, các khoản vay ngân hàng và vốn chủ sở hữu sẽ là nguồn chính để nhiều DN BĐS cơ cấu lại các khoản nợ hiện tại và đầu tư vào các dự án mới trong năm 2024. Thành quả doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của các DN BĐS có thể không quá cao như kỳ vọng, nhưng ít ra cũng đã không còn khó khăn như giai đoạn 2022 - 2023.

Đơn cử, lợi nhuận của Công ty CP Đầu tư Nam Long được dự báo có thể phục hồi mạnh vào năm 2024, với lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ ước đạt 1,03 nghìn tỷ đồng (tăng 114% so với năm ngoái) nhờ việc tiếp tục bàn giao các dự án Akari, Mizuki, Southgate, Izumi City và chuyển nhượng 25% cổ phần còn lại của dự án Paragon.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, năm 2024, thị trường BĐS ở khu Đông TP.HCM (bao gồm TP. Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ tiếp tục là khu vực trọng yếu cả về nguồn cung lẫn lực cầu, còn khu Tây TP.HCM sẽ là một điểm sáng mới trên thị trường BĐS. Ngay từ đầu năm, nhiều công ty BĐS đã nhanh chóng triển khai bán hàng, giới thiệu dự án. Trong đó, một số dự án có lượng giữ chỗ, đặt cọc khá tốt. Cơ hội thị trường BĐS từ năm 2024 khá rõ nét.

Về nhu cầu, hiện người mua ở thực vẫn chiếm tỷ trọng cao trong các giao dịch. Khi thị trường ấm dần lên, sẽ có nhiều nhà đầu tư quay trở lại. Càng về cuối năm, nguồn tiền gom về nhiều, khả năng nhà đầu tư quay trở lại tăng sẽ góp phần hâm nóng thị trường. Nắm bắt được vấn đề then chốt này, nhiều DN BĐS đang chuẩn bị tâm thế nhập cuộc mạnh trở lại thông qua việc đẩy mạnh bán các sản phẩm đang có và thúc đẩy nhanh hơn các dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai.

Tại các hội thảo liên quan đến BĐS gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế chung quan điểm, thị trường BĐS đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Các chủ đầu tư có thể phát triển đa dạng sản phẩm, có thể từ căn hộ, đất nền, biệt thự, nhà phố đến BĐS du lịch, không nên tập trung vào một phân khúc, nhất là những phân khúc đang lệch pha cung - cầu, có giá trị quá lớn cho một sản phẩm.

Chuyên đề