Doanh nghiệp bảo hiểm trước áp lực lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có đặc thù tập trung tỷ trọng cao vào tiền gửi để bảo đảm tính thanh khoản, đáp ứng nhu cầu bồi thường. Việc lãi suất huy động trong nước được duy trì ở mức thấp là yếu tố thiếu tích cực cho danh mục đầu tư của các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp bảo hiểm trước áp lực lãi suất thấp

Trông vào hoạt động tài chính

Năm 2020, doanh nghiệp đầu ngành là Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gần 26% so với năm 2019, đạt xấp xỉ 1.900 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của Bảo Việt đến từ hoạt động tài chính với lợi nhuận mảng này đạt 7.736 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019, trong khi lợi nhuận gộp kinh doanh bảo hiểm âm 2.400 tỷ đồng (năm 2019 âm 765 tỷ đồng) do tăng dự phòng toán học. Chiếm 86% doanh thu hoạt động tài chính là lãi tiền gửi và lãi đầu tư trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu.

Đối với Công ty CP PVI, năm 2020, hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay kinh doanh cổ phiếu) mang về 769 tỷ đồng lợi nhuận (tăng trưởng 21%), còn lĩnh vực bảo hiểm có lợi nhuận gộp 917,8 tỷ đồng (tăng 22%). Qua đó, PVI ghi nhận 1.036 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 18,6% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) tăng 37% so với năm 2019, đạt 242,5 tỷ đồng cũng nhờ sự đóng góp rất lớn từ hoạt động tài chính. Theo đó, lợi nhuận từ hoạt động này đạt 216 tỷ đồng, tăng 40%, còn lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 438,5 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2019.

Khảo sát danh mục đầu tư tài chính của 7 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tiền gửi ngắn hạn luôn được các công ty duy trì với tỷ trọng cao nhất trong tổng danh mục, tiếp đến là gửi dài hạn và trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

Thách thức từ mức lãi suất thấp

Theo số liệu của Fiin Group, lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp trong tháng 2/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng. Trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối, ngoài VietinBank tăng lãi suất thì 3 ngân hàng BIDV, Agribank, Vietcombank duy trì mức lãi suất cũ.

Còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cùng chứng kiến mức giảm lãi suất với cả 2 kỳ hạn. Đối với kỳ hạn 6 tháng, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ giảm 0,03 điểm % xuống 5,39%, trong khi nhóm quy mô lớn áp dụng mức lãi suất trung bình 4,74%, giảm 0,15 điểm %. Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm quy mô nhỏ và quy mô lớn giảm lần lượt 0,02 điểm % và 0,03 điểm %.

Như vậy, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 2 ở mức 4,85% và 5,69%, cùng giảm xấp xỉ 1,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước và gần như đi ngang so với tháng trước đó.

Môi trường lãi suất thấp và chi phí tái bảo hiểm tăng là 2 mối lo lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay.

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm, vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ. Ngoài ra, nếu lãi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.

SSI cũng cho biết, trong những năm gần đây, lĩnh vực bảo hiểm tài sản của các doanh nghiệp trong nước thua lỗ khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn.

Chuyên đề