Doanh nghiệp bán lẻ trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập

Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, tham gia AEC… thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động và cạnh tranh quyết liệt.
DN bán lẻ Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh ngày càng tăng (Ảnh minh họa: KT)
DN bán lẻ Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh ngày càng tăng (Ảnh minh họa: KT)

Những năm gần đây, tốc độ phát triển của thị trường bán lẻ tăng từ 18-25%, cao gấp 3 lần tốc độ tăng của GDP. Việc Việt Nam ký kết Hiệp định TPP, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục sôi động và cạnh tranh quyết liệt, khi có thêm nhiều doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt giá trị 100 tỷ USD vào năm nay. Còn theo số liệu từ Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, cho thấy thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng và đang thu hút nhiều các nhà bán lẻ lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ như Aeon, Lotte, Wal-Mart hay  Fairprice của Singapore…

Ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam, cho rằng việc các nhà bán lẻ thế giới sẽ tham gia thị trường Việt Nam là điều không tránh khỏi vì mức đóng góp của các kênh bán lẻ hiện đại vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Điều này cũng sẽ khiến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh.

Một số doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu xu hướng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình là việc hợp tác giữa hệ thống siêu thị Fivimart của Công ty Cổ phần Thương mại Nhất Nam với Tập đoàn Aeon của Nhật Bản.

Ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam nhận định: “Mục tiêu Chính phủ Việt Nam đưa ra là đưa kênh bán lẻ hiện đại chiếm tỷ trọng 40%, so với mức hiện nay, thì đòi hỏi phải có đầu tư rất lớn từ đầu tư nước ngoài. Vấn đề liên doanh, liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước với nước ngoài là hợp lí đối với các nhà bán lẻ ngoại, khi tham gia thị trường mới, cách tốt nhất cho họ hợp tác với nhà bán lẻ trong nước.

Doanh nghiệp nước ngoài lại có nhiều kinh nghiệm vận hành, có nguồn vốn mạnh, họ cũng có những lợi thế nhất định để mang đến cho thị trường. Chính vì vậy mà các nhà bán lẻ nội nếu biết học hỏi những cái mới, cái hay từ các nhà bán lẻ nước ngoài, kết hợp với các ưu điểm của mình thì sẽ phát huy lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất. ”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư