Khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động, đầu tư của khối DNNN được kỳ vọng sẽ sôi động hơn. Ảnh: Thanh Sang |
Bởi vậy, việc Ủy ban này sớm đi vào hoạt động sẽ giúp chấm dứt tâm lý này, thúc đẩy tăng trưởng.
Sẽ chấm dứt tâm lý chờ đợi
Chậm nhất tháng 10 tới, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (gọi tắt là Ủy ban) chính thức đi vào hoạt động theo chỉ đạo tại một cuộc họp mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Uỷ ban (Tổ công tác 66). Để vận hành Ủy ban hiệu quả, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan vận dụng tối đa các quy định của pháp luật hiện hành, tạo điều kiện cho Ủy ban sớm hoạt động.
“Việc Ủy ban đi vào hoạt động vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh. Bởi theo đại diện CIEM, Ủy ban đã được thành lập từ tháng 2/2018, nhưng đến nay vẫn thiếu “cây gậy” - Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Hiện nghị định này đang chờ được ban hành. Về phía các DN nằm trong danh sách chuyển về Ủy ban thì trong trạng thái chờ đợi, dẫn đến hoạt động đầu tư có phần sụt giảm trong thời gian gần đây.
“Số liệu 6 tháng đầu năm, thậm chí 8 tháng đầu năm nay cho thấy, vốn đầu tư nhà nước ở khối DN này giảm so với cùng kỳ năm 2017”, ông Cung nói và cho rằng, Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban dự kiến được ký ban hành trong tháng 9 này sẽ là văn bản quan trọng giúp chấm dứt tâm lý chờ đợi của các DNNN trong danh sách chuyển giao về Ủy ban. Hoạt động đầu tư của khối DN này sẽ sôi động hơn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Về quá trình chuẩn bị cho Ủy ban đi vào hoạt động, trong các phát biểu gần đây, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Cơ bản chúng tôi đã sẵn sàng vận hành hoạt động của Ủy ban”.
“Ốp” chuyển giao chặt chẽ, tinh gọn
Để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban hiệu quả, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban. Kèm theo dự thảo Quyết định là Quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về Ủy ban. Dự kiến, Quyết định sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9/2018 cùng với Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
“Việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là rất cần thiết nhằm quy định thống nhất về nội dung, trình tự, thủ tục, hồ sơ, đảm bảo việc bàn giao và tiếp nhận quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các bộ, cơ quan về Ủy ban được thực hiện nhanh gọn, kịp thời, đầy đủ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”, Tờ trình Dự thảo Quyết định nhấn mạnh.
Về nguyên tắc chuyển giao, Bộ Tài chính cho biết, hoạt động chuyển giao đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tiến độ thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi, cơ cấu lại vốn của DN; có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Theo Dự thảo Quyết định, hầu hết vốn nhà nước tại các DN kinh doanh được chuyển giao từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Ủy ban. Ủy ban sẽ trực tiếp quản lý Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và 18 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn nhất; SCIC quản lý vốn nhà nước tại các DN còn lại thuộc đối tượng chuyển giao.