DN xi măng thận trọng với mục tiêu kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau một năm kinh doanh khả quan, các doanh nghiệp ngành xi măng đa phần đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng cho năm 2020. 
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam khá “thận trọng” với mức 2.679 tỷ đồng, bằng 84% năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam khá “thận trọng” với mức 2.679 tỷ đồng, bằng 84% năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Đây cũng là điều dễ hiểu khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào các tháng đầu năm đã làm giảm sút tiêu thụ sản phẩm, giá xi măng giảm trong bối cảnh cung vẫn vượt cầu.

Theo Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), trong quý I/2020, các doanh nghiệp xi măng Việt Nam sụt giảm ước tính 2,8 nghìn tỷ đồng doanh thu, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Philippines và Bangladesh; đồng thời làm chậm tiến độ các công trình trong nước và gây suy giảm về nhu cầu xây dựng nội địa. Dẫn số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tổng cục Hải quan, sản lượng tiêu thụ toàn ngành quý I/2020 ước tính giảm gần 12% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó sản lượng xuất khẩu giảm 15% và tiêu thụ trong nước giảm 11%. Tồn kho toàn ngành trong qúy I/2020 tăng mạnh lên mức 4,8 triệu tấn, tương đương với khoảng 30 - 45 ngày tiêu thụ.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp xi măng tiếp tục kéo dài sang các tháng 4 và 5. Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 cho biết, sản lượng tiêu thụ 5 tháng đầu năm nay giảm 450.000 tấn so với cùng kỳ 2019. Do đó, Hà Tiên 1 trình cổ đông kế hoạch năm 2020 với sản lượng sản xuất 7,33 triệu tấn sản phẩm, tương đương năm trước. Doanh thu thuần kế hoạch năm nay là 8.584 tỷ đồng, giảm 3% và lợi nhuận trước thuế là 830 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước.

Báo cáo về kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) của Vicem đạt 744 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá) cũng được Vicem “thận trọng” đặt ở mức 2.679 tỷ đồng, bằng 84% năm ngoái.

Chủ tịch HĐQT Đinh Quang Dũng nhận định, năm 2020 được dự báo có nhiều khó khăn xen lẫn cơ hội. Đó là, tình hình vĩ mô ổn định, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành. Nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự kiến tăng khoảng 3%, tương đương 71 triệu tấn. Tuy nhiên, rủi ro nằm ở dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng, hạn hán và tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 24%, đạt 5,4 triệu tấn, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn cũng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 5% so với năm ngoái, ở mức 155 tỷ đồng.

Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI dự kiến sản lượng tiêu thụ năm 2020 ở mức 730 nghìn tấn, giảm 1,8% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm mạnh 24% xuống còn 36,5 tỷ đồng.

Đối với Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai, dự kiến sản lượng tiêu thụ ở mức 1,86 triệu tấn, tương ứng với mức lợi nhuận trước thuế 26 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Nhận định về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng cho cả năm 2020, FPTS cho biết, 2 nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất trong năm nay là nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao trong cơ cấu tiêu thụ và nhóm doanh nghiệp đang có tình trạng tài chính yếu kém. Trong quý I/2020, hai nhóm doanh nghiệp này đều có mức sụt giảm từ 5 - 10% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp đang có tồn kho rất lớn, đi kèm với công nợ tăng vọt và sụt giảm về khả năng tiêu thụ. Trong đó, ước tính khoảng 20% số doanh nghiệp trong ngành được đưa vào diện cảnh báo mất an toàn về tài chính và nhiều doanh nghiệp có khả năng thua lỗ lớn trong năm nay.

Chuyên đề