DN xi măng tăng trưởng lợi nhuận nhờ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không giống các loại vật liệu xây dựng như thép, gạch, cát… đều tăng giá mạnh ngay từ quý I/2021, giá xi măng phải đến tháng 4/2021 mới bắt đầu nhích thêm từ 30.000 - 40.000 đồng/tấn (tương đương mức tăng 3 - 5%). Đợt tăng giá này nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh do chi phí đầu vào như than, điện, xăng dầu, vỏ bao... tăng mạnh. Điều đó khiến động lực tăng trưởng của ngành xi măng chủ yếu phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Tổng sản lượng tiêu thụ của ngành xi măng 5 tháng đầu năm 2021 khoảng 45,83 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Khánh Giang
Tổng sản lượng tiêu thụ của ngành xi măng 5 tháng đầu năm 2021 khoảng 45,83 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Khánh Giang

Việc điều chỉnh giá thận trọng của các nhà sản xuất là khá dễ hiểu, bởi thị trường xi măng nội địa đang trong tình trạng dư cung khoảng 40 triệu tấn. “Nếu giá tăng cao, doanh nghiệp sẽ khó tiêu thụ, thậm chí còn tạo thời cơ để cạnh tranh bán phá giá mạnh hơn”, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) nhận xét.

Không được hưởng lợi về giá, động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp xi măng chủ yếu dựa vào tăng sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là lượng xuất khẩu. Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, tổng sản lượng tiêu thụ của ngành xi măng 5 tháng đầu năm 2021 khoảng 45,83 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng sản lượng xuất khẩu khoảng 19,26 triệu tấn, tăng 50%, trong khi tiêu thụ nội địa ước đạt 26,57 triệu tấn, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2020 do lĩnh vực xây dựng trong nước bị đình trệ, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 4.

Theo VNCA, nguyên nhân xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này, giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích bảo vệ môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam.

Điều này phần nào được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty CP Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý II/2021 tăng trưởng 11% so với quý II/2020 lên gần 2.260 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 16% lên 298,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Công ty trong nửa đầu năm 2021 ở mức 19,4%, thấp hơn con số 20,6% cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xi măng Hà Tiên lãi trước thuế 426 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3%.

Trong khi đó, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý II/2021 ở mức kỷ lục 115,4 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu chỉ tăng 9,4%. Điều này đến từ biên lợi nhuận gộp của Công ty được cải thiện từ mức 13,9% lên 17,5%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 2.247 tỷ đồng doanh thu và 126 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng trưởng tương ứng 5% và 61% so với nửa đầu năm 2020.

Ngay từ đầu năm 2021, Xi măng Bỉm Sơn đã duy trì nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao. Cụ thể, trong số 345,6 tỷ đồng hàng tồn kho, nguyên vật liệu chiếm tới 68,4%, tương đương 236,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thành phẩm chỉ khoảng 29,4 tỷ đồng (chiếm 8,5%) và sản phẩm dở dang khoảng 76,5 tỷ đồng (chiếm 22%). Đây có thể là lý do giúp Xi măng Bỉm Sơn tránh được áp lực giá chi phí đầu đầu vào như than tăng mạnh trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI ghi nhận doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 339 tỷ đồng (tăng 2,7%), lợi nhuận trước thuế đạt 26,4 tỷ đồng (tăng 22%); Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn có doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước đạt 1.469 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 40,5 tỷ đồng (tăng 15%)...

Mới đây, một loạt nhà thầu xây dựng như Delta, Vinaconex, Cienco4... đã có văn bản gửi Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn đang phải đối mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết, Covid-19 ảnh hưởng đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình. Nhiều công trình tạm dừng thi công, chậm tiến độ cũng có nghĩa doanh nghiệp xi măng sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.

Chuyên đề