DN sản xuất tấm lợp fibro xi măng “chết oan”?

(BĐT) - Mặc dù cơ quan chuyên môn chưa có kết luận về việc sử dụng amiang trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) gây hại cho sức khỏe con người, thế nhưng đã có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất trong ngành điêu đứng, ngắc ngoải. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp quản lý và sử dụng amiang trắng an toàn trong sản xuất vật liệu xây dựng” diễn ra ngày 18/7 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp “sống dở chết dở”

Theo ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hiệp hội VLDX Việt Nam, hàng năm, các nhà máy sản xuất tấm lợp fibro xi măng cung cấp ra thị trường hàng trăm triệu m2 nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển. Thế nhưng, chừng 10 năm trở lại đây, khi tấm lợp bằng tôn mạ kẽm phát triển mạnh đã xuất hiện những cuộc tranh luận về việc cấm sử dụng tấm lợp fibro xi măng dưới “khẩu hiệu” để bảo vệ sức khỏe con người, khiến hàng loạt DN điêu đứng.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Văn Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh - DN chuyên sản xuất tấm lợp fibro xi măng cho biết, bắt nguồn từ những thông tin khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng tất cả các loại amiang đều có thể có nguy cơ gây ung thư. Tiếp đó, Bộ Y tế cũng có những khuyến nghị tương tự, và gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp. Theo đó, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng lập Đề án Nghiên cứu xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất loại tấm lợp này từ năm 2023, trình Chính phủ trong năm 2018. Những thông tin này đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. 6 tháng đầu năm 2018, công suất của nhà máy chỉ đạt 50% so với cùng kỳ năm 2017. “Đến nay, số lượng lao động cũng giảm tới gần 80% (800 lao động nay chỉ còn 200 lao động)”, ông Nghĩa trăn trở.

Chung cảnh ngộ này, ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hương Hoàng - một DN sản xuất tấm lợp tại Quảng Trị buồn rầu: “Các DN tấm lợp fibro xi măng “sống dở chết dở”, nguy cơ phải đóng cửa là rất cao”. Theo ông Hiển, vì sản xuất ra không tiêu thụ được, cho nên tới thời điểm này, số lượng công nhân của Công ty cũng giảm quá nửa…

Thông tin từ Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cho hay, đến nay đã có rất nhiều DN trong ngành phá sản như: Công ty COSEVCO (Quảng Bình); Nhà máy Sản xuất tấm lợp Vân Long (Đà Nẵng)…

Chưa phát hiện mắc bệnh từ amiang trắng

Báo cáo xem xét kiến nghị về việc xử dụng amiang trắng ở Việt Nam (tháng 8/2017) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội thực hiện khẳng định, qua tất cả các công trình nghiên cứu khoa học vẫn chưa phát hiện được ca mắc bệnh nào liên quan đến amiang trắng tại Việt Nam. Các nghiên cứu quốc tế và Việt Nam đối với người lao động có tiếp xúc trực tiếp với amiang trắng trong sản xuất và người sử dụng sản phẩm có amiang trắng về các bệnh lý liên quan đường hô hấp và tuổi thọ với những người hoàn toàn không tiếp xúc với amiang trắng đều không thấy có sự khác biệt.

Chứng minh thêm về điều này, bà Lê Thị Hằng, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho biết, đến giờ phút này, chưa phát hiện được trường hợp nào bị ung thư phổi hay ung thư biểu mô phổi hoặc những tổn thương sức khỏe có liên quan đến sản xuất và sử dụng amiang.

Trước tình thế trên, hầu hết các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, các khuyến cáo khoa học đưa ra phải có căn cứ và những kết luận chính xác để tránh gây tác động xấu đến hoạt động của DN. UBKHCN&MT cũng kiến nghị cần xem xét lại Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh có liên quan đến amiang giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ và thực sự khoa học với các luận cứ thuyết phục.    

Chuyên đề