DN dược 70 năm tuổi Pharbaco kinh doanh ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quý I/2024, Công ty CP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco) trúng nhiều gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế trên cả nước. Việc tích cực tham gia kênh ETC (đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế) giúp Pharbaco liên tục tăng trưởng doanh thu trong các năm gần đây. Tuy nhiên, áp lực nợ vay lớn đang kìm hãm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp 70 năm tuổi này.
DN dược 70 năm tuổi Pharbaco kinh doanh ra sao?

Hiệu quả kinh doanh thấp, nợ vay gia tăng

Dù doanh thu liên tục tăng trưởng, song các chỉ số hiệu quả kinh doanh (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE và lợi nhuận trên tổng tài sản - ROA) của Pharbaco lại thấp. Trong năm 2023, ROE và ROA của Công ty lần lượt đạt 4,2% và 1,67%, thua xa nhiều doanh nghiệp cùng ngành như: Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 (ROE 33%; ROA 10,1%), Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (ROE 14,6%; ROA 12,5%), Công ty CP Dược phẩm Trung ương Vidipha (ROE 10,8%; ROA 7,4%)…

Một trong những nguyên nhân được lý giải là do Dự án Nhà máy Dược phẩm tiêu chuẩn EU-GMP (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) của Pharbaco vẫn chưa hoàn thành. Tính đến cuối năm 2024, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Dự án là 1.940 tỷ đồng (giai đoạn PMU1: 1.356,8 tỷ đồng; PMU2: 583,8 tỷ đồng), chiếm đến hơn 60% tổng tài sản của Pharbaco. Dự án gồm 2 giai đoạn, được triển khai xây dựng từ năm 2018, nhưng tiến độ chậm do chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Vào tháng 4/2023, lãnh đạo Pharbaco cho biết, dự kiến năm 2024, Nhà máy sẽ hoàn thành và được thẩm định tiêu chuẩn EU-GMP.

Trong khi Dự án Nhà máy Dược phẩm chậm tiến độ so với kế hoạch, nợ vay của Pharbaco ngày càng phình to, từ mức 798,6 tỷ đồng cuối năm 2020 liên tục tăng lên mức 1.191,5 tỷ đồng cuối năm 2021 và vượt mức 1.634 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Kỳ vọng gọi vốn mới

Thành lập từ năm 1954, Pharbaco tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 1. Từ sau cổ phần hoá vào đầu năm 2007, bên cạnh việc tăng trưởng ổn định, Pharbaco có thêm những cổ đông chiến lược mới, đáng chú ý là Công ty CP Appollo của doanh nhân Ngô Nhật Phương.

Từ nửa cuối năm 2020, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà Petro (Hải Hà Petro) - một doanh nghiệp xăng dầu lớn có trụ sở tại Thái Bình do doanh nhân Trần Tuyết Mai làm Chủ tịch - thế chân Appollo tại Pharbaco.

Tính đến cuối năm 2023, Hải Hà Petro cùng các doanh nghiệp liên quan như Công ty TNHH MTV Đại Hải Hà Petro, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Vận tải Hải Minh Hưng nắm giữ 63,2% cổ phần Pharbaco. Ngoài ra, Pharbaco còn ghi nhận một cổ đông lớn khác là Công ty CP Vật tư nông nghiệp Pháp Vân (sở hữu 18,18%).

Từ đầu năm 2024 đến nay, Pharbaco được lựa chọn thực hiện nhiều gói thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế trên cả nước. Có thể kể đến Gói thầu Cung cấp thuốc Parazacol cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên (giá trúng thầu hơn 4,268 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp thuốc Trepmycin cho Bệnh viên Phổi Trung ương (1,72 tỷ đồng); Gói thầu Cung cấp thuốc Pharbarelin 300, Bimesta, Gramtob cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An (1,4 tỷ đồng)…

Vào cuối tháng 1/2024, bà Trần Tuyết Mai bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Hải Hà Petro và các đơn vị có liên quan. Thay thế cho bà Mai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Hải Hà Petro là ông Vũ Hồng Khoa.

Tính đến cuối năm 2023, Pharbaco ghi nhận khoản phải thu dài hạn 137,4 tỷ đồng với Hải Hà Petro. Đây là số tiền mà Pharbaco đã ủy thác Hải Hà Petro góp vốn đầu tư Dự án Xây dựng tòa nhà thương mại Hải Hà Petro tại đường Nguyễn Đức Cảnh, Tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ngoài Hải Hà Petro, Pharbaco cũng phát sinh khoản phải thu và trả trước cho Công ty CP Appollo Oil - doanh nghiệp do ông Ngô Nhật Phương làm Giám đốc - với giá trị 98,3 tỷ đồng. Các khoản phải thu gia tăng là nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Pharbaco âm tới 129,4 tỷ đồng trong năm 2023.

Trước áp lực nợ vay ngày càng lớn và hiệu quả kinh doanh thấp, mới đây, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Pharbaco đã thông qua phương án chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 42% so với thị giá của cổ phiếu PBC trên sàn chứng khoán UPCoM (quanh mức 7.000 đồng). Nếu thương vụ này thành công, Pharbaco sẽ thu về 500 tỷ đồng để thanh toán các khoản vay ngắn hạn và dài hạn phát sinh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Chuyên đề